Bệnh gout xảy ra do nồng độ a xít uric trong máu tăng cao, dẫn đến tích tụ các tinh thể axit uric ở các khớp, viêm khớp. Triệu chứng đặc trưng của gout là đau khớp dữ dội, nổi mẩn đỏ và viêm kéo dài đến hàng giờ, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Nhóm có nguy cơ cao bị gout là những người bị béo phì, tiểu đường, kháng insulin và có các vấn đề về thận. Nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học PLoS ONE cho thấy hoạt động thể chất cường độ thấp đến trung bình có thể giúp giảm viêm ở người bị gout.
Theo nghiên cứu, kết hợp các phương pháp điều trị gout với tập thể dục giữa các đợt bùng phát đau khớp có thể giúp cơn đau nhẹ hơn. Không những vậy, số lượng các cơn bùng phát gout cũng ít hơn.
Tập thể dục còn giúp ngăn ngừa bệnh gout. Lợi ích này có được là do tập thể dục thường sẽ giúp tăng cường sức khỏe xương khớp, giảm nguy cơ béo phì và các vấn đề sức khỏe vốn làm tăng nguy cơ bị gout. Nhờ đó, khả năng phát triển bệnh sẽ được giảm xuống thấp, theo Trung tâm y tế phi lợi nhuận Cleveland Clinic (Mỹ).
Người bị gout không nên tập thể dục khi cơn đau khớp đang bùng phát. Vì khớp xương đang trong trạng thái viêm cấp tính. Họ chỉ nên tập khi đã hết đau và các khớp xương có thể hoạt động dễ dàng.
Khi đã hết cơn đau gout, người bệnh nên tránh các bài tập cường độ cao, chẳng hạn như tập luyện cường độ cao ngắt quãng (HIIT). Việc này sẽ giúp hạn chế cơn đau gout bùng phát thêm. Thay vì vậy, hãy tập đi bộ, bơi lội hoặc đạp xe. Thời lượng tập ít nhất là 150 phút/tuần, duy trì từ 3 đến 5 ngày/tuần.
Ngài ra, các bài tập cardio tác động đến chân như leo cầu thang, khiêu vũ rất có lợi cho người bị gout. Nếu không có thời gian đến phòng gym thì các bài tập tại nhà phù hợp nhất là nhảy dây, gập bụng, plank, hít đất. Các động tác này sẽ mang lại cảm giác khỏe khoắn, giúp tăng cường sức khỏe và ngăn ngừa bệnh gout tái phát, theo Healthline.
Bình luận (0)