Bi hài cuộc thi tìm biểu trưng tỉnh Quảng Bình

30/05/2024 07:39 GMT+7

Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) tỉnh Quảng Bình đã trải qua rất nhiều "kiếp nạn" bi hài. Dù cuộc thi phải kéo dài thành 2 giai đoạn, nhưng mỗi khi có tác phẩm nào được đánh giá cao hoặc đạt giải thì lại bị dư luận chê tơi tả. Chưa hết, Ban tổ chức còn gửi nhầm biểu trưng khi công bố giải cho báo chí, và hiện chưa biết biểu trưng đạt giải nhất có được làm biểu trưng cho tỉnh hay không.

THI 2 GIAI ĐOẠN, NHƯNG MẪU NÀO CŨNG BỊ... CHÊ

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, từ cuối tháng 8.2023, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành kế hoạch tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) tỉnh Quảng Bình. Cuộc thi nhằm lựa chọn một logo thể hiện được đặc trưng của tỉnh Quảng Bình để sử dụng chính thức trong các hoạt động thông tin tuyên truyền, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, công tác đối nội, đối ngoại của tỉnh, góp phần quảng bá hình ảnh về mảnh đất và con người Quảng Bình đến bạn bè trong, ngoài nước. Sở VH-TT Quảng Bình là cơ quan thường trực Ban tổ chức cuộc thi, nhận tác phẩm dự thi đến 16 giờ ngày 15.11.2023.

Bi hài cuộc thi tìm biểu trưng tỉnh Quảng Bình- Ảnh 1.

Quảng Bình nổi tiếng với hệ thống hang động lừng danh thế giới

OXALIS

Sau 2 vòng sơ khảo, chung khảo, ngày 24 - 25.11.2023, Hội đồng nghệ thuật chấm, chọn biểu trưng tỉnh Quảng Bình đã chọn được 3 tác phẩm (từ 229 tác phẩm của 119 tác giả gửi đến dự thi) để lấy ý kiến bình chọn của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh, trước khi các tác phẩm được lựa chọn trao giải.

Tuy nhiên, cả 3 tác phẩm này đã bị dư luận "ném đá" tơi tả, trong đó, có rất nhiều người là con em quê hương Quảng Bình hoạt động trong giới văn hóa - nghệ thuật và kiến trúc. Hầu hết ý kiến cho rằng các biểu trưng đi theo lối mòn (lấy Quảng Bình Quan làm chủ thể), chưa nhấn nhá được các kỳ quan riêng có ở Quảng Bình (hệ thống hang động lừng danh thế giới). Một số ý kiến khác còn nêu ra những nét giống nhau của 3 biểu trưng này với các biểu trưng của các tỉnh thành khác đã công bố trước đó.

Chính vì thế, theo Sở VH-TT Quảng Bình, dù đã có kết quả bình chọn nhưng qua góp ý của cán bộ, đảng viên và nhân dân và với mong muốn tìm kiếm các tác phẩm biểu trưng có chất lượng, Hội đồng nghệ thuật chấm chọn đã đề nghị Ban tổ chức đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình cho phép gia hạn cuộc thi.

Trong đợt 2, Ban tổ chức nhận 216 tác phẩm của 81 tác giả, dự thi từ ngày 9.1 - 29.2.2024. Sau 2 bước sơ khảo, chung khảo, Hội đồng nghệ thuật, Sở VH-TT Quảng Bình đã tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh; thời gian bình chọn 7 ngày, từ ngày 21.3 đến hết ngày 27.3 với 3 mẫu biểu trưng được chấm điểm cao nhất.

Bi hài cuộc thi tìm biểu trưng tỉnh Quảng Bình- Ảnh 2.

Ba mẫu biểu trưng được đưa ra lấy ý kiến nhân dân ở giai đoạn 1

THANH LỘC

Sau đó, Hội đồng nghệ thuật tiếp tục chấm bước 3. Kết quả, mẫu biểu trưng có mã số BT190A (M02) của tác giả Hoàng Thị Thu Thảo có tổng điểm cao nhất (nhận được 86.966 lượt bình chọn của nhân dân và 663 điểm của Hội đồng nghệ thuật). Tuy nhiên, một lần nữa biểu trưng đạt giải nhất lại bị chê. Cụ thể, các ý kiến cho rằng, trong biểu tượng cố nhồi nhét Quảng Bình Quan, sóng biển, thạch nhũ hang động, dòng chữ Quảng Bình… vừa ôm đồm, nhưng lại không để lại ấn tượng về Quảng Bình hào hùng trong quá khứ và năng động thời hiện đại.

KHÔNG BIẾT CÓ ĐƯỢC LÀM BIỂU TRƯNG CHO TỈNH KHÔNG ?

Tuy nhiên, Hội đồng nghệ thuật gồm bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Sở VH-TT Quảng Bình, làm Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật; thành viên Hội đồng nghệ thuật gồm: Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó giám đốc Sở VH-TT; tiến sĩ sử học Phan Viết Dũng; 3 giáo sư, tiến sĩ là Chủ tịch, Ủy viên Hội đồng nghệ thuật đồ họa, Hội đồng Mỹ thuật ứng dụng - Hội Mỹ thuật Việt Nam lại nghĩ khác.

Theo nhận xét của hội đồng này, về nội dung mẫu biểu trưng có các hình ảnh di tích lịch sử Quảng Bình Quan, di sản thiên nhiên đặc trưng, đặc điểm tự nhiên sông, biển được hòa quyện với nhau theo một tỷ lệ hợp lý, có chính có phụ. Cùng với đó, logo của Ủy ban Di sản thế giới UNESCO được đặt ở trung tâm nhấn mạnh giá trị và đặc điểm nhận diện di sản thiên nhiên riêng có của tỉnh. Về hình thức, sau khi chỉnh sửa theo yêu cầu của Hội đồng nghệ thuật, mẫu biểu trưng này có sự cân đối lý tưởng về cấu trúc, tỷ lệ giữa mảng tĩnh và mảng động, giữa xanh lá và xanh dương, giữa hình và nền, giữa mảng âm và mảng dương, giữa biểu tượng và kiến trúc, hang động và sông biển.

Bi hài cuộc thi tìm biểu trưng tỉnh Quảng Bình- Ảnh 3.

Biểu trưng được chấm giải nhất tại cuộc thi sáng tác biểu trưng tỉnh Quảng Bình

Ảnh: T.L

Từ đó, Hội đồng nghệ thuật cũng cho rằng tổng thể biểu trưng này có tính mới, khác biệt và nghiêm trang của biểu trưng đơn vị hành chính nhà nước cấp tỉnh. Mẫu biểu trưng này xứng đáng để được sử dụng làm biểu trưng chính thức của tỉnh Quảng Bình.

Tuy nhiên, trước phản ứng chê bai của dư luận với mẫu biểu trưng vừa đạt giải, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Quảng Bình, cho biết sau khi có kết quả chính thức, ban tổ chức đã trao 3 giải thưởng nhất, nhì và ba. Cơ cấu giải thưởng của cuộc thi này gồm: 1 giải nhất trị giá 100 triệu đồng; 1 giải nhì 50 triệu đồng và 1 giải ba 30 triệu đồng.

"Việc trao giải là theo quy định. Còn với biểu trưng, lúc nào có quyết định của UBND tỉnh, thời điểm đó logo mới chính thức được sử dụng làm biểu trưng của tỉnh", bà Thủy nói.

Tuy nhiên, tác phẩm đạt giải vẫn chưa hết… kiếp nạn. Cụ thể, liên quan đến biểu trưng này cũng có một sự cố khá hy hữu do sơ suất của bộ phận giúp việc, Sở VH-TT Quảng Bình đã chuyển nhầm logo đạt giải nhất để cung cấp cho báo chí hôm 24.5. Logo chuyển nhầm gần giống với logo đạt giải, chỉ khác phần tượng trưng cho thạch nhũ ở bên trên và không có biểu trưng UNESCO. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.