Bi hài giới tính trong thể thao: Câu chuyện độc nhất vô nhị về Renee Richards

16/09/2015 06:35 GMT+7

Đấy là một bác sĩ giỏi, một tác giả từng viết nhiều quyển sách "độc", một diễn viên từng thủ vai chính... về mình, và là một tay vợt từng nằm trong top 20 thế giới, từng vào chung kết ở trận địa Grand Slam. Nhưng chi tiết "độc nhất vô nhị" về Richards lại là tay vợt duy nhất trong lịch sử US Open từng thi đấu ở cả hai nội dung: đơn nam và đơn nữ!

Đấy là một bác sĩ giỏi, một tác giả từng viết nhiều quyển sách "độc", một diễn viên từng thủ vai chính... về mình, và là một tay vợt từng nằm trong top 20 thế giới, từng vào chung kết ở trận địa Grand Slam. Nhưng chi tiết "độc nhất vô nhị" về Richards lại là tay vợt duy nhất trong lịch sử US Open từng thi đấu ở cả hai nội dung: đơn nam và đơn nữ!

Bi hài giới tính trong thể thao: Câu chuyện độc nhất vô nhị về Renee RichardsRenee Richards mà trước đó là Richard Raskind - Ảnh: AFP
Ban đầu, đấy là Richard Raskind, một cậu bé gốc Do Thái sinh trưởng ở New York City, học giỏi và chơi thể thao cũng hay. Raskind tham gia rất nhiều môn thể thao trong học đường: quần vợt, bóng chày, bơi lội, bóng đá. Cậu trở thành thủ quân của đội quần vợt Trường đại học Yale và được xem là một trong những tay vợt xuất sắc nhất trong làng thể thao học đường Mỹ.
Sau khi tốt nghiệp ở Yale, Raskind học tiếp ở Trường đại học Y khoa Rochester, theo chuyên khoa mắt. Raskind trở thành bác sĩ giỏi, làm việc cho khá nhiều bệnh viện nổi tiếng, thu nhập cao. Rồi Raskind vào hải quân với tư cách bác sĩ quân y, nhiều lần đoạt danh hiệu quán quân quần vợt trong quân đội cũng như trong vùng. Ở tuổi 36, Raskind kết hôn với người mẫu Barbara Mole, rồi có con đầu lòng 2 năm sau đó. Ai mà ngờ được, một người đàn ông thành đạt như thế lại bỗng ly khai gia đình, gần như bỏ đi tất cả chỉ để trở thành... một phụ nữ?
Dù là ở Mỹ đi nữa, nhưng đấy là thập niên 1970, và thiên hạ vẫn xem một người giải phẫu để chuyển đổi giới tính là... người điên. Sau khi ly dị và giải phẫu, Richard Raskind trở thành Renee Richards (renée trong tiếng Pháp nghĩa là "tái sinh"). Bà đi biệt xứ (chuyển từ New York City sang tận California), ở một mình, kiếm sống dễ dàng bằng nghề bác sĩ và giải khuây ở một CLB quần vợt địa phương. Thế rồi, "sóng gió" xuất hiện khi Renee Richards ngày càng lên tay và chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp.
Khi còn là "ông", Richard Raskind đã thường xuyên thi đấu ở nội dung đơn nam giải vô địch quần vợt Mỹ, trong giai đoạn 1953 - 1960, nhưng chưa bao giờ qua được vòng 2. Khi thành "bà", Renee Richards dự giải US Open trong giai đoạn 1977 - 1981, thành công hơn hẳn (kỷ nguyên Open của giải Mỹ bắt đầu từ năm 1968). Mười bảy năm sau khi tranh tài trong tư cách tay vợt nam, Richards trở lại với tư cách một tay vợt nữ, khi đã 43 tuổi.
Ban đầu, Richards không được tham dự giải nữ US Open, vì giải này buộc mọi tay vợt tham gia giải nữ phải xét nghiệm nhiễm sắc thể để chứng minh là nữ. Đấy là năm 1976. Bà đưa luôn Liên đoàn Quần vợt Mỹ (USTA), Ủy ban Quần vợt nhà nghề Mỹ (USOC) và Hội Quần vợt nữ thế giới (WTA)... ra tòa. Thật ra, mọi giải đấu khác trên thế giới đều không chấp nhận cho Renee Richards thi đấu ở các nội dung nữ. Nhưng giải US Open diễn ra ở Mỹ nên bà... kiện được. Theo bộ luật Nhân quyền New York thì sau khi giải phẫu để chuyển đổi giới tính, Renee Richards đã được nước Mỹ "chấp nhận quyền làm phụ nữ". Tòa xử Richards thắng. Thế là tay vợt nữ Renee Richards trở nên nổi tiếng trong làng quần vợt Mỹ trong 4 năm thi đấu nhà nghề (1977 -1981).
Chỉ cần dự giải US Open, Richards đã tích lũy đủ số điểm để bà có lúc lọt vào top 20 của WTA. Thật ra, Richards đánh đôi lại thành công hơn: nhiều lần vào bán kết và từng vào chung kết đôi nữ cùng đồng đội Betty Ann Stuart nhưng đánh thua. Ngoài ra, Richards còn rất nhiều lần vô địch đôi hoặc đơn nữ ở lứa tuổi trên 35 của giải US Open.
Sau khi giải nghệ, Renee Richards từng huấn luyện Navratilova (2 lần vô địch Wimbledon). Năm 2011, bộ phim tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Renee Richards được chọn làm một trong những phim chính ở Tribeca Film Festival. Bà viết khá nhiều hồi ký và tiết lộ từng bị stress, muốn tự tử vì ham muốn... làm nữ nhân khi còn là một nam nhân thành đạt. Rút cuộc, quyết định chuyển đổi giới tính của Raskind vẫn khá hơn là quyết định... tự tử. Bây giờ, ở tuổi 80, Renee Richards vẫn luôn là gương mặt đi đầu trong phong trào ủng hộ những người chuyển đổi giới tính và giới đồng tính luyến ái.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.