Bi hài “văn hóa giao thông” - Người thủ đô cũng chưa “thanh lịch”!

25/10/2009 23:47 GMT+7

Giao thông Hà Nội cũng rối rắm, tắc đường, chen lấn, xô đẩy, cãi vã và thậm chí là vừa đi đường vừa xả rác...

“Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”, câu ca dao ấy vốn là niềm tự hào của người dân Hà Nội. Nhưng buồn là đôi khi trên đường phố vẫn gặp những người có vẻ ngoài thanh lịch, mặc đẹp, đi xe xịn nhưng hành động của họ vô tình phản lại họ.

Một bộ phận giới trẻ Hà thành quan niệm: “Mặc đẹp - đi xe sang chưa đủ, phải không đội mũ bảo hiểm (MBH) mới là dân chơi”. Trên các tuyến phố cổ, càng trung tâm, thì lượng người không đội MBH càng nhiều. Tối tối, rất dễ bắt gặp những đoàn xe tay ga đắt tiền, hiệu SH, PS, LX... dàn hàng ngang ba, bốn chiếc diễu hành thong thả khắp các phố. Trên xe luôn là những cô, cậu ăn mặc sành điệu, tóc vuốt keo bóng lộn nhưng không hề có MBH. Khi được hỏi “Không sợ bị cảnh sát cơ động hỏi thăm à”, họ bình thản trả lời: “Đi đông thế này cơ động không dám bắt đâu!” (?!). Còn nếu chẳng may bị cơ động hỏi thăm thì họ... chạy.

Cô Vân (ngụ ở khu tập thể cơ khí Trần Hưng Đạo, Hà Nội) thường tới Vườn hoa Con Cóc tập thể dục cho biết: “Ở đây, tối nào chúng tôi cũng chứng kiến cảnh “chạy cơ động”. Những pha rượt đuổi ngoạn mục giữa Cảnh sát cơ động  và người không đội MBH, ngày nào cũng có vài vụ, làm tất cả mọi người phải giật mình vì tiếng động cơ ầm ĩ”.

 Không đội mũ bảo hiểm có thể bắt gặp ở bất cứ đường phố nào, đặc biệt là trong khu phố cổ

Hầm bộ hành và cầu vượt đường bộ được đưa vào hoạt động tại Hà Nội với số lượng tương đối nhiều. Thế nhưng, người đi bộ vẫn tỏ ra hững hờ với những công trình này. Tại các nút giao thông như Cầu Giấy, Nguyễn Chí Thanh, Ngã Tư Sở, Phạm Hùng mật độ giao thông dày đặc, đặc biệt ô tô khách, xe buýt đi lại với số lượng lớn, thế nhưng, nhiều khách bộ hành, đặc biệt là sinh viên vẫn liều lĩnh băng qua đường để mặc cầu vượt, hầm đường bộ bỏ hoang.
Tâm lý “chơi trội” được thể hiện rõ nhất mỗi khi tắc đường. Giờ kẹt xe, vỉa hè cũng biến thành đường. Để “hơn người”, ai cũng cố phi lên vỉa hè, giành “đường ưu tiên”. Từ khi thành phố tổ chức phân làn lại các nút giao thông, như: nếu muốn rẽ trái từ đường Trần Duy Hưng vào đường Nguyễn Thị Định, các phương tiện phải đi vòng một đoạn dài tới gần siêu thị Big C mới được phép quay đầu. Vì thế, giờ tan tầm, người dân phố Trần Duy Hưng cứ phải chứng kiến cảnh những chiếc xe máy nhảy chồm chồm, phi lên vỉa hè (cao gần 20 cm) để sang đường, bỏ lại sau lưng là những đám cỏ nát bươm.

Vừa đi đường vừa... xả rác

Không chỉ chen lấn, bấm còi inh ỏi, xô xát nhau... nhiều người tham gia giao thông còn vô tư biến đường phố thành bãi rác di động. Mỗi buổi sáng, cứ bước ra đường, đập vào mắt sẽ là vô vàn những cảnh tượng không đẹp của người tham gia giao thông.

7 giờ sáng. Đường Hồ Tùng Mậu chật kín người và xe cộ. Chiếc xe buýt của một trường tiểu học dân lập chở học sinh tới trường bắt đầu cua, rẽ vào đường Lê Đức Thọ. Bên trong xe, một cậu bé chừng lớp 4 từ từ mở cửa kính, không cần nhìn ra ngoài... quẳng vỏ hộp sữa đã hết xuống đường. Xong, cậu lại đóng cửa kính nhẹ nhàng như lúc mở rồi quay ra tiếp tục cười đùa với chúng bạn. Chiếc xe buýt tiếp tục lăn bánh. Chưa đầy 2 phút sau, một chiếc cửa kính lại mở và lần này là giấy vỏ kẹo cao su rơi xuống... Cứ thế, trên cả đoạn đường, chốc chốc lại có “vật thể lạ” bay xuống phố, nào là hộp sữa, vỏ, giấy gói quà sáng, bịch nylon. Vài người đi đường cau mày khó chịu nhưng cũng chẳng ai buồn nhắc nhở.

 Chở hàng cồng kềnh gây nguy hiểm cho người đi đường

Với người lớn, ý thức cũng chẳng tốt hơn là mấy. Tại ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã, ô tô, xe máy xếp hàng dài nối đuôi nhau dừng đèn đỏ. Bỗng dưng, cửa sổ chiếc xe hơi hiệu Ford Mondeo bật mở. Người phụ nữ vận quần áo sang trọng thẳng tay liệng vỏ quýt ra ngoài. Sau đó chị quay sang nựng cho đứa con ăn, phớt lờ mọi cái nhìn khó chịu của mọi người. Bực quá, một người phụ nữ đi bên cạnh hỏi móc: “Quýt thơm nhỉ?”. Người phụ nữ quay mặt đi, lẳng lặng kéo cửa kính xe lên.

Bác Nguyễn Đức Niên (cán bộ hưu trí ngõ 105 Bạch Mai) lại gặp cảnh khó chịu khác, bác kể: “Có lần đi trên phố Huế, hai bác cháu tôi đang đi với tốc độ bình thường bỗng cháu tôi phanh két một cái, hai bác cháu suýt ngã bổ nhào về phía trước. Hóa ra chúng tôi suýt đâm vào mấy hộp trà sữa trân châu mà đôi trai gái đi bên cạnh vừa thả xuống”.

Tại các ngã tư, cảnh tờ rơi phủ trắng đường cũng thường xuyên diễn ra. Chẳng biết từ bao giờ, rất nhiều các cửa hiệu, nhà hàng nghĩ ra cách quảng cáo dịch vụ bằng cách phát tờ rơi ở các điểm giao thông đông đúc, lý tưởng là các điểm dừng chờ đèn đỏ. Người đi đường bất đắc dĩ phải cầm tờ rơi được phát, có người miễn cưỡng bỏ vào túi nhưng đa phần nó được thả rơi ngay xuống đường ngay khi đèn xanh bật lên.

 Biển cấm ngược chiều không có hiệu lực vào giờ cao điểm (ảnh chụp tại phố Xã Đàn ngày 23.10) - Ảnh: Ngọc Thắng

Kiểu “vừa đi đường vừa xả rác” còn phải nhắc tới cánh lái xe chở vật liệu xây dựng. Mặc dù theo quy định, trước khi vào thành phố, các xe chở vật liệu phải qua trạm rửa xe nhưng việc này ít được thực hiện hoặc có qua trạm nhưng chỉ rửa một cách qua loa. Kết quả là, xe đi tới đâu thì bụi tung mù trời tới đó. Chưa kể việc các bác tài thường phủ bạt không cẩn thận khiến cát, sỏi... cứ vô tư rơi vãi trên khắp đường phố khi xe lăn bánh. Đường Võ Thị Sáu là một trong những con đường khá sạch đẹp, khang trang, mật độ tham gia giao thông vừa phải. Nhưng gần đây, cứ sau một đêm ngủ dậy, người dân nơi đây bỗng thấy con đường thân quen biến thành sa mạc. Vật liệu xây dựng rơi vãi lổn nhổn khắp con đường.

Thanh Thanh Lan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.