Ba mẹ hòa ái với mọi người thì con cũng vậy. Ba mẹ hở chút la lối và động tay động chân thì con cũng theo khuynh hướng bạo lực nay mai...
Tôi tin vậy vì hai thằng nhóc nhà tôi hay “báo cáo” các tình huống mà chúng gặp phải ở trường. Và tôi an tâm phần nào khi con mình biết đâu là đúng sai, sự cần thiết của điềm tĩnh và nhẫn nhịn với bạn bè.
Có 2 đứa con trai đang ở tuổi vị thành niên nên tôi rất lo lắng về chuyện bạo lực học đường. Chắc cũng như tôi, ba mẹ nào mà không lo đủ thứ về con cái. Hiếu động quá - lo, thụ động quá - càng lo! Con nhiều bạn lo theo kiểu nhiều bạn. Con ít bạn lại lo nó bị cô lập, không ai chơi cùng. Thôi thì đủ thứ!
tin liên quan
Những bà mẹ tỉ phú từ Việt đến Tây với bí quyết dạy con thành đạtCó những phụ nữ cùng một lúc làm ba việc khó: làm mẹ, làm giàu và một tay gầy dựng cơ đồ. Chúng ta học được gì ở họ?
Con trai lớn của tôi hiện sống tập thể cùng bạn bè trong đội bóng. Thế là “cấp độ lo” càng tăng lên khủng khiếp đối với người mẹ như tôi. Nào là lo con bị chấn thương, bỏ bê việc học, gây gổ, đánh nhau... nên tôi “theo dõi” rất sát sao. Tất nhiên là qua cách chuyện trò với con, bạn bè của con. Tôi luôn có vài số điện thoại của thầy quản lý, thầy cô giáo ở trường, bạn bè của con để kịp thời hỏi han khi cần thiết.
Hôm trước con trai kể về một “sự cố” và cách nó giải quyết làm tôi yên tâm. Số là trong đội có một bạn “kênh kênh” với con. Theo lời con kể thì: “Bạn này đã làm con té một lần nhưng con cho đó là vô tình nên bỏ qua. Lần thứ 2 đang ở trong phòng sinh hoạt chung, con đi ngang bạn đưa chân ra ngáng làm con loạng choạng suýt té. Khi đó con rất giận nhưng bỏ đi. Khi bình tĩnh lại, con gọi bạn đó ra nói rằng bạn... chơi tôi 2 lần rồi và nếu có lần thứ 3, đừng trách mình... thẳng tay! Bạn con cúi đầu không nói gì. Khi tôi hỏi sao con không... méc thầy quản lý, con trai nói rất... người lớn: “Chuyện nhỏ mà mẹ! Chuyện này giữa 2 đứa con có thể giải quyết nên báo thầy làm gì?”. Nghe con kể, tôi mừng thầm trong lòng và không quên động viên con một câu rằng con đã xử sự tốt, khéo léo.
Con trai út thì đang học lớp 5 và anh chàng tự... đăng ký vào tuổi vị thành niên để mau trưởng thành! Hỏi sao con không làm... con nít cho khỏe thì ảnh tỉnh bơ: “Lớp 5 đã học giới tính rồi đó mẹ. Nên phải làm sao cho xứng mặt con trai!”.
Lần đó cái vỏ gối bị hư dây kéo, vội, sắp trễ giờ đến trường nên tôi lấy tạm cái rộng hơn để bọc gối. Dặn con đến lớp lúc ngủ trưa đừng táy máy cho cái gì đó vô vì bao gối còn rộng. Con trai trả lời: “Con không làm chuyện đó còn đám bạn con là con không biết à! Không cấm được, mấy bạn ưa quậy phá lung tung, ưa giỡn với con nữa”. Thì la bạn, con sợ bạn à? Lại cách trả lời của con làm tôi... ngạc nhiên: “Không, con không sợ bạn mà là con không muốn rắc rối! Với lại khi tụi con có chuyện cãi nhau sẽ làm phiền đến cô giáo. Thôi được, mẹ yên tâm, để con nói trước với bạn hoặc giấu kỹ cái gối của mình chứ có sao đâu, mẹ lo gì!”.
Tôi tin, giữ được bình tĩnh, không giận dữ, không “ăn miếng trả miếng” cũng là kỹ năng cần thiết của trẻ. Dần dần, con cái chúng ta sẽ hình thành tính cách điềm đạm, biết nhường nhịn, hòa đồng với mọi người và cũng biết giải quyết khi xảy ra rắc rối theo hướng tích cực nhất.
tin liên quan
Cựu Tổng thống Mỹ Obama hé lộ 3 bài học muốn tặng cho con mìnhNhững bài học vợ chồng cựu Tổng thống Mỹ, ông Barack Obama, dùng để dạy hai cô con gái cũng là lời khuyên hữu ích cho nhiều người khác.
Bình luận (0)