Bị lạc khi đi du lịch mạo hiểm, phải làm sao?

21/05/2018 21:10 GMT+7

Kỹ năng sinh tồn để có thể sống sót trở về sau khi không may bị lạc ở một nơi hoang dã, là điều không phải bạn trẻ nào cũng được trang bị.

Sự việc phượt thủ Thi An Kiện đi du lịch trong rừng Tà Năng - Phan Dũng bị lạc rồi mất tích 8 ngày vừa được tìm thấy thi thể đã khiến nhiều người đam mê du lịch phải nhìn nhận lại bản thân trước khi tham gia các chuyến đi du lịch mạo hiểm dài ngày.
Quan trọng nhất là giữ bình tĩnh
Anh Ngô Lâm Anh, hiện là hướng dẫn viên tại Epictrek, là một trong những người tham gia tìm kiếm phượt thủ Thi An Kiện, chia sẻ về việc trang bị kỹ năng trước khi du lịch mạo hiểm. Lâm Anh cho rằng hiện nay có một số bạn trẻ đi “phượt” trong rừng theo phong trào mà chưa trang bị cho mình một số nguyên tắc cơ bản để xử trí khi xảy ra những tình huống bất trắc.
“Khi tôi dẫn khách đi các tour, tôi thường đưa ra tình huống bị lạc đường đầu tiên để lưu ý khách. Tôi lưu ý khách trong trường hợp bị lạc, nếu chưa có kinh nghiệm gì về đi rừng thì cần đứng lại ngay tại chỗ mình bị lạc để người trong đoàn đi kiếm sẽ nhanh tìm ra hơn. Người bị lạc cần tìm một địa điểm thích hợp để nghỉ ngơi bảo toàn sức khỏe, không nên chạy ngược chạy xuôi tìm đường về, sẽ làm cho cơ thể mệt mỏi và mất bình tĩnh”.

Theo Lâm Anh, việc ngồi nghỉ không chỉ giúp bảo toàn sức khỏe mà còn khiến tâm trí bình tĩnh hơn, tránh hoảng loạn để tính toán các bước tiếp theo. Trong trường hợp địa hình có sông, suối và người lạc đã xác định được mình đi vào rừng từ hướng hạ lưu hay thượng lưu, thì hãy men theo sông suối để ra rừng, vì chắc chắn dọc theo sông suối sẽ đổ về đồng bằng hoặc có người ở, khả năng thoát hiểm của người bị lạc sẽ cao hơn đi các hướng khác.
“Nếu có thể trèo lên cây hoặc điểm cao, bạn cố gắng quan sát xung quanh xem có khói hay nóc nhà dân hay không, có thì định hướng để đi theo hướng đó. Ban đêm cũng có thể treo lên cây hoặc điểm cao để quan sát ánh đèn đốm lửa. Nếu khoảng cách gần có thể di chuyển ngay nhưng nếu xa cần phải nghỉ lại qua đêm xác định phương hướng để ngày hôm sau di chuyển”, Lâm Anh đưa ra lời khuyên.
Làm gì nếu đói khát?
Vũ Hải, 26 tuổi, đang sống tại xã Tà Năng, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng, có kinh nghiệm đi rừng từ năm 15 tuổi. Hải cũng là người tham gia tìm kiếm nạn nhân mất tích trong rừng Tà Năng - Phan Dũng vừa qua. Hải chia sẻ: “Khi đi du lịch một nhóm trong rừng, cách để không bị lạc nhau là thi thoảng nên hú nhau một tiếng, có thể trang bị mỗi người một cái còi để thổi khi lạc nhau. Còn khi đã bị lạc rồi thì bạn nên ở yên đó đốt một đống lửa thật to. Nếu bạn phải di chuyển xuống khe suối tìm nước, thì bạn nhớ vừa đi vừa làm dấu bằng cách bẻ cành cây dọc đường. Trong trường hợp không xác định rõ phương hướng thì không nên đi tiếp vì càng đi càng lạc”.
Theo Vũ Hải, những vật dụng cần thiết phải mang theo là vài cái bật lửa, một con dao nhỏ, một miếng bạt hoặc võng. Đó là những thứ giúp người bị lạc có thể sinh tồn ngay cả khi thức ăn trong ba lô đã hết. “Cứ lấy nõn non chuối rừng hoặc ngọn lá dương xỉ ăn tạm, rồi tìm đường ra suối bắt cá, đốt lửa nướng lên làm đồ ăn. Các bạn cũng nên kiếm một bãi đất trống, ghi ký hiệu cầu cứu SOS ở đó rồi vẽ mũi tên chỉ nơi mình đi để đội cứu hộ dễ nhận biết hướng của người bị lạc”, Hải cho hay.
Không nên đi nếu chưa chuẩn bị đầy đủ
Nhiều em rất thích đi du lịch khám phá thiên nhiên hoang dã, nhưng lại không tưởng tượng ra được việc đi “phượt” trong rừng sẽ như thế nào. Nó không hề đơn giản. Ngay như chuyện khi tổ chức tour, chúng tôi giao cho một nhóm sinh viên một con gà, nói các em làm sao để làm ra món ăn được, nhưng không ai biết cách làm. Vậy thì làm sao có khả năng sinh tồn giữa rừng sâu nếu bị lạc?
Từ nhỏ, trẻ em nước ngoài đã được học cách sống sót giữa thiên nhiên hoang dã, chẳng hạn cách tìm kiếm thức ăn, cách tạo ra lửa, leo núi, vượt suốt, sơ cấp cứu… Nhưng ở ta, gia đình với nhà trường hầu như không trang bị cho các em các kỹ năng này.
Trước khi đi du lịch theo dạng khám phá mạo hiểm, các em cần tìm hiểu kỹ về nơi đó. Nếu đi theo nhóm thì phải có “thủ lĩnh” và phải tuân thủ nguyên tắc của nhóm chứ không phải mạnh ai nấy đi, mỗi người một kiểu. Thiếu kỹ năng, thiếu hiểu biết về nơi định đi, thì tốt nhất các em không nên đi vì rất nguy hiểm.
(Ông Trương Quốc Dũng, giảng viên Khoa Du lịch, Trường ĐH Tài chính - Marketing)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.