Bị lừa tiền tỉ, còn nhận được tin nhắn 'an ủi'

24/11/2020 04:31 GMT+7

Nạn nhân chuyển hàng chục tỉ đồng cho nhóm lừa đảo qua mạng dù được nhân viên ngân hàng can ngăn. Có nạn nhân bị lừa gần 10 tỉ đồng, còn nhận được tin nhắn “cố gắng vượt qua khó khăn” từ bọn lừa đảo.

Ngày 23.11, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu tiếp tục làm việc với các nạn nhân bị nhóm lừa đảo qua mạng buộc chuyển hàng chục tỉ đồng.

Vẫn còn hoang mang, lo sợ

Trong khi đó, ngày 23.11, ông S. (ngụ TP.Vũng Tàu), nạn nhân chuyển gần 10 tỉ đồng cho “cán bộ công an” N.T.T trong bài viết Nhiều nạn nhân ở Bà Rịa-Vũng Tàu bị lừa đảo qua mạng xã hội trao đổi với PV mà không giấu được sự lo lắng. Ông S. cho biết đầu óc “vẫn như trên mây”, không biết chuyện gì đã xảy ra đối với mình.
Ông S. cho biết ông làm thầu xây dựng, đang thi công các biệt thự ở TP.Vũng Tàu. “Tôi mới được các chủ nhà chuyển hơn 6 tỉ đồng để ứng tiền vật tư, nội thất. Khoảng hơn 9 giờ ngày 17.11, tôi đang ở công trình thì nghe một giọng nam gọi điện thoại nói tôi nợ tiền lãi ngân hàng. Tôi thanh minh cho người này thì được anh ta chuyển máy qua cho một phụ nữ khác. Người này nói chuyện như đang chia sẻ việc tôi bị lừa đảo, rồi sau đó chuyển cho tôi gặp “cán bộ công an” tên N.T.T. Ngay khi nói chuyện với ông T. thì người này đã quát nạt, đe dọa bắt tôi vì bảo tôi có liên quan đến đường dây mua bán ma túy mà không nói việc tôi nợ lãi ngân hàng nữa. Người này nói số tiền hơn 6 tỉ đồng trong tài khoản của tôi là có từ việc mua bán ma túy”, ông S. kể. Mặc dù ông S. liên tục thanh minh, nhưng “cán bộ công an” tên T. vẫn dọa nạt, đòi bắt ngay lập tức và gửi các “quyết định bắt giữ bị can” cho ông S. xem rồi xóa ngay.
“Ông T. còn nói rõ số tài khoản của tôi, cho tôi biết con tôi có hơn 80 triệu đồng trong tài khoản, biết tôi có 2 ô tô, vài căn nhà... Việc này khiến tôi càng tin ông này là công an. Sau đó, ông T. hướng dẫn tôi ra các ngân hàng chuyển tiền”, ông S. kể và cho biết từ ngày 17 - 20.11 đã chuyển tổng cộng gần 10 tỉ đồng cho 3 người khác nhau do ông T. chỉ định.
Đến sáng 23.11, “cán bộ công an” tên T. vẫn còn yêu cầu ông S. chuyển vào 10 triệu đồng. “Có lẽ biết tôi báo công an nên trưa nay (23.11), người tên T. đã khóa tài khoản Zalo. Trước khi khóa tài khoản, người tên T. còn nhắn tin với nội dung nói tôi cố gắng vượt qua khó khăn, giữ gìn sức khỏe”, ông S. cho biết thêm. Do sợ gia đình buồn phiền, lo lắng, ông S. vẫn chưa cho người thân biết việc mình bị lừa hàng tỉ đồng.

Ngân hàng can ngăn, vẫn quyết chuyển tiền

Một cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại, mạng Zalo xuất hiện trên địa bàn đã nhiều năm qua. Ngành công an, ngân hàng, bưu chính viễn thông… đã liên tục tuyên truyền qua thông tin đại chúng, tin nhắn hay các bảng thông báo nhưng vẫn có nhiều nạn nhân bị lừa đảo.
Tại các ngân hàng, khi khách đến giao dịch với số tiền lớn, chuyển cho người lạ đều được nhân viên tế nhị tư vấn, hỏi kỹ để giúp khách hàng tránh bị lừa đảo. “Nhiều trường hợp đến ngân hàng yêu cầu chuyển số tiền lớn với thái độ lúng túng, ngó trước ngó sau… luôn được nhân viên hỏi để tư vấn và giúp họ tránh bị lừa đảo. Ở TP.Vũng Tàu, một nhân viên ngân hàng đã kịp thời giúp khách hàng dừng chuyển tiền do bị nhóm đối tượng lừa qua mạng”, một lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu cho hay.
Thế nhưng một cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết nhiều trường hợp khách hàng đến ngân hàng chuyển tiền cho bọn lừa đảo, nhân viên ngân hàng nghi ngờ, ngăn chặn nhưng không được. Họ buộc nhân viên ngân hàng phải chuyển tiền gấp, thậm chí còn cho rằng nhân viên làm khó rồi đi qua ngân hàng khác chuyển. Cụ thể như trường hợp bà H., ngụ TP.Bà Rịa. Ngày 17.11 bị nhóm lừa đảo yêu cầu ra ngân hàng chuyển gần 13 tỉ đồng, nhân viên ngân hàng nghi ngờ và cảnh báo nhưng bà H. lại cho rằng ngân hàng này gây khó khăn nên qua ngân hàng khác để yêu cầu chuyển tiền.

Cảnh giác với đầu số lạ

Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết các cơ quan nhà nước đều làm việc bằng văn bản, giấy tờ, không nói chuyện vụ án qua điện thoại. Người dân cũng cảnh giác những cuộc gọi có dãy số bắt đầu từ dấu “+”. Nếu người lạ yêu cầu cung cấp số thẻ tài khoản ngân hàng, mã OTP thì kiên quyết từ chối. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.