Bị mạo danh bán thuốc tăng chiều cao, tiểu đường, BS Trương Hữu Khanh thảng thốt: 'Bó tay!'

05/05/2022 09:21 GMT+7

Bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh bị một số người lợi dụng hình ảnh để quảng cáo 'thuốc' tăng chiều cao, chữa tiểu đường từ năm 2017 đến nay.

Lợi dụng uy tín người có tầm ảnh hưởng

Ngày 4.5, bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) đăng dòng trạng thái trên Facebook cá nhân với nội dung: “2017 (năm 2017 - PV) họ mạo tên bán thuốc tăng chiều cao. Sau Covid-19 tình trạng mạo tên nhiều hơn. 2022 dùng cái hình 2017 quảng cáo chữa tiểu đường. Bó tay!”.

Hình ảnh BS Trương Hữu Khanh bị lợi dụng quảng cáo sản phẩm trị tiểu đường

nvcc

BS Trương Hữu Khanh cho biết ông chuyên khoa về bệnh truyền nhiễm. Không chỉ điều trị cho bệnh nhi tại bệnh viện, ông bỏ phòng mạch tư để dành thời gian lập Fanpage “Hỏi BS Nhi đồng” tư vấn cho phụ huynh. Theo BS Khanh, nếu trị bệnh thì chỉ trị cho vài người nhưng tư vấn trên Fanpage thì sẽ giúp được nhiều người.

Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, BS Trương Hữu Khanh là một trong nhiều BS tư vấn chuyên sâu và thường xuyên cho người dân về phòng chống dịch bệnh Covid-19 một cách hiệu quả. Ông thường thức dậy vào 3 giờ sáng để trả lời tư vấn “tất tần tật” cho F0 trên Fanpage, trên kênh YouTube…

Chính vì uy tín và ảnh hưởng lớn đối với người dân trong lĩnh vực sức khỏe mà tên và hình ảnh cá nhân BS Trương Hữu Khanh bị mạo danh trên các trang quảng cáo để bán thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Hình ảnh BS Trương Hữu Khanh bị lợi dụng quảng cáo sản phẩm tăng chiều cao

Nvcc

Cần mạnh tay, xử lý dứt điểm

Phân tích về vấn đề nêu trên, luật sư (LS) Trần Minh Cường, đoàn LS TP.HCM cho rằng, trường hợp như BS Trương Hữu Khanh không phải là hiếm gặp. Gần đây cũng có các ca sĩ, người mẫu, diễn viên nổi tiếng bị lợi dụng hình ảnh để quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng hoặc ngành, nghề mà họ có tầm ảnh hưởng. Đây là trường hợp lợi dụng hình ảnh người nổi tiếng để bán sản phẩm mà hầu hết là sản phẩm kém chất lượng. Người tiêu dùng tin tưởng thần tượng hoặc do không tìm hiểu rõ mà sử dụng không kiểm chứng sẽ dẫn đến hậu quả.

Theo LS Cường, cá nhân có quyền hình ảnh, do đó việc sử dụng hình ảnh của người khác với mục đích thương mại thì phải được người đó đồng ý và phải trả thù lao hình ảnh, trừ trường hợp có thỏa thuận khác được quy định tại Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015.

Nếu sử dụng hình ảnh người khác sai quy định thì người có hình ảnh bị vi phạm có quyền yêu cầu toà án ra những quyết định liên quan, để buộc thu hồi, tiêu hủy hoặc chấm dứt việc sử dụng này; yêu cầu công khai xin lỗi và bồi thường theo quy định pháp luật.

Fanpage "Hỏi BS Nhi đồng" cũng bị làm giả, đạo nhái

Nvcc

Bên cạnh đó, hành vi quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết mà chưa được sự đồng ý là hành vi bị cấm theo Điều 8, luật Quảng cáo 2012.

Song song đó, quy định mức xử phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo sử dụng hình ảnh, lời nói chưa được cá nhân đó đồng ý. Đối với tổ chức vi phạm thì mức xử phạt gấp 2 lần; kèm theo đó là các biện pháp khắc phục hậu quả như tháo gỡ, xóa quảng cáo đó.

Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi sẽ bị xem xét xử lý trách nhiệm hình sự theo Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về việc quảng cáo gian dối liên quan đến hàng hóa mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính; Hoặc đã bị kết án rồi nhưng chưa xóa án tích thì còn có thể xử phạt cải tạo không giam giữ lên đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

Đối với các hình ảnh quảng cáo liên quan đến thẩm quyền của Thanh tra Sở TT-TT hoặc Sở Văn hóa - thể thao - du lịch (tùy địa phương). Do đó, người bị ảnh hưởng đến hình ảnh có thể khiếu nại đến các cơ quan này.

Tuy nhiên, theo LS Cường, hiện nay việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng chỉ xảy ra khi có trình báo, gây ra hậu quả lớn. Việc này cần phải xem lại, cần làm mạnh tay, kiên quyết để xử lý dứt điểm vấn đề này để không trở thành vấn nạn mà nếu không kiểm soát chặt chẽ thì thời gian tới hậu quả sẽ lớn hơn.

Trao đổi với PV Thanh Niên, BS Trương Hữu Khanh cho rằng có một số người gọi điện thoại để hỏi những sản phẩm mà ông bị mạo danh tên tuổi, hình ảnh để quảng cáo. Ông chỉ biết trả lời là không phải ông và ông cũng không bán những sản phẩm đó. Ông khuyên người dân tỉnh táo trước những quảng cáo mạo danh hình ảnh của mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.