Bí mật đám cưới giả: Những 'diễn viên' đóng thế

28/03/2018 13:33 GMT+7

Tuy chưa có thống kê chính thức nhưng một số công ty tự nhận đã tổ chức hàng ngàn đám cưới giả trên cả nước trong 10 năm qua.

Kéo theo đó là hàng trăm, hàng ngàn lượt người đã đóng thế vai chú rể, cô dâu, phụ huynh, họ hàng...
Quy trình tuyển chọn chú rể
“Đơn hàng” hậu đám cưới
Ông T. cho hay công ty V. hiện có hai nhân sự đóng vai chú rể cùng thực hiện “đơn đặt hàng” giống nhau thời hậu đám cưới: thăm gia đình cô dâu đều đặn các ngày chủ nhật trong tháng. Trong đó, một người đã làm “nhiệm vụ” này suốt ba năm nay. Cạnh đó, một số cô dâu còn yêu cầu công ty thuê nhà, bố trí nhân sự để “thông gia” lên thăm, nghỉ ngơi vài ngày. Thậm chí, có trường hợp cô dâu hằng tháng trời phải sống trong cảnh y như đang... làm dâu, nhằm đối phó người thân. Sau khi sinh con, cô dâu mới dọn ra ngoài và báo gia đình mình là không hợp với nhà chồng hoặc đã chia tay chồng... Tất nhiên, chi phí cho những gói dịch vụ như vậy rất “khủng”!
Ông T., phụ trách chi nhánh tại TP.HCM của công ty V. (doanh nghiệp tự nhận đã tổ chức 1.200 đám cưới “danh nghĩa” từ năm 2009 đến nay), cho biết: Đa số những người đóng thế trong các đám cưới giả là diễn viên quần chúng, lao động tự do ở nhiều ngành nghề.
Theo ông T., trước khi được đóng chú rể, người đó phải đi theo đoàn để bưng quả hoặc phụ rể ít nhất ở 2 - 3 đám cưới. Tiếp theo, họ phải nắm các bước cơ bản tiến hành một đám cưới cũng như các thủ tục, nghi lễ cưới ở từng vùng miền. Tuy nhiên, học... cho biết thôi, chứ không phải để thực hành. Vì chú rể phải đóng vai y như lần đầu cưới vợ, rành rẽ quá người ta sẽ nghi.
“Phù hợp với các tiêu chuẩn mới được vào vai. Việc tuyển chú rể, cô dâu phải qua nhiều công đoạn, chứ không phải cứ đẹp lồng lộng và vào nghề lâu là đạt yêu cầu”, ông T. nhìn nhận.
Quy trình tuyển chú rể (tuyển cô dâu cũng tương tự) như sau: Đầu tiên, căn cứ yêu cầu cụ thể của khách hàng (độ tuổi, ngoại hình, chất giọng, nghề nghiệp...) để chọn chú rể. Những người xuất thân hoặc từng làm việc ở quê cô dâu bị loại tiếp. Sau đó, công ty sẽ đưa hình ảnh các ứng viên còn lại hoặc cho khách hàng gặp trực tiếp để chọn lựa, ký hợp đồng.
Một người chuyên cung cấp dịch vụ cưới giả tại TP.HCM và các tỉnh phía nam khẳng định: “Chúng tôi có hàng trăm người đóng vai chú rể, kể cả Việt kiều thật nên cô dâu khó tính đến mấy vẫn chọn được. Ngoại trừ họ đòi hỏi người nước ngoài thì khó đáp ứng”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, có một số công ty đã “tráo người” vào giờ G, khiến khách hàng phải ngậm đắng nuốt cay. Ban đầu, họ giới thiệu chú rể như yêu cầu và được phía khách hàng ưng ý, đặt cọc mấy triệu đồng. Nhưng đến cận giờ đám cưới, họ gọi điện thông báo rằng “chú rể gặp tai nạn, đang nằm viện” rồi đưa người quen của họ thế chỗ...
Hiện nay, giá cho thuê chú rể trong ngày cưới khoảng 7 - 10 triệu đồng, những lần khác như lễ lại mặt, gặp gỡ gia đình... từ 1,5 - 2 triệu đồng/lần, tùy đám cưới diễn ra ở TP.HCM hay ngoại tỉnh (giá ngoại tỉnh cao hơn tại TP.HCM 30%). Trên cơ sở đó, công ty sẽ ăn chia với người đóng thế, theo tỷ lệ 3:7. Riêng những chú rể là Việt kiều “xịn” hoặc người nước ngoài mũi cao da trắng, thù lao có khi lên đến hàng trăm triệu đồng.
“Thời buổi công nghệ, lỡ hình ảnh của mình bị phát tán trên mạng xã hội và bị lộ thì sao?”, tôi thắc mắc. Với 5 năm kinh nghiệm đóng vai chú rể ở nhiều tỉnh thành cả nước, N.H (quê Quảng Nam) tự tin: “Mình làm nhiều nơi chứ không làm 2 - 3 cái trong một tỉnh. Nếu cùng một tỉnh thì cách vài năm sau, tôi mới làm lại. Một số gia đình còn treo trong nhà ảnh cưới tôi chụp với con gái họ, tôi coi đó cũng bình thường”.
Một số diễn viên quần chúng tham gia một đám cưới giả ở miền Đông Nam bộ
Cái gì cũng giống, chỉ khác là... không động phòng
Cưới giả, tình thật
Trên thực tế, đã có một số cặp đến với nhau theo kiểu “cưới giả, tình thật”. Có những chú rể sau đám cưới vẫn lui tới nhà gái (theo đặt hàng của cô dâu), nên hai bên phát sinh tình cảm. Cũng có cặp sau khi thanh lý hợp đồng thấy đồng cảnh (cô đơn), đồng cảm nên yêu nhau...
Anh K., 31 tuổi, thành viên đội bưng mâm quả công ty V. tự nhận mình là người “kỳ quặc”. K. cho rằng anh đến với công việc này không phải vì kiếm sống, mà để hiểu thêm về hoàn cảnh những cô gái lỡ lầm. K. tâm niệm: “Nếu tôi chấp nhận đóng vai chú rể thì đó sẽ là lần duy nhất, sau khi tôi đã tìm được cô dâu phù hợp với mình. Lúc ấy, chúng tôi sẽ biến đám cưới giả thành đám cưới thật!”.
Trên đường đi dự đám cưới giả của một cô dâu tại Bình Phước, các thành viên đoàn “nhà trai” (do một công ty tổ chức sự kiện chi nhánh tại TP.HCM huy động) ôn lại các vai đóng thế. Tôi cũng “xin” được một vai trong đó.
Theo kịch bản, tôi là con gái ông M., đại diện họ nhà trai. “Cha con tôi” tranh thủ hội ý về tên, tuổi, nghề nghiệp, gia cảnh... của mỗi người, phòng khi nhà gái hỏi chi tiết thì giới thiệu cho khớp.
Ông M. tặc lưỡi kể: “Hôm trước, lần đầu làm trưởng đoàn đi dạm ngõ cho đám cưới này, chú căng thẳng đến toát mồ hôi hột. Bởi mình không biết nhà gái nói cái gì, trong khi phải lèo lái câu chuyện để đám cưới diễn ra như kế hoạch sắp sẵn. Bữa đó họ mời cơm, mình lo đối phó các câu hỏi nên có ăn được gì đâu, nhức đầu và đói rã người!”.
Tôi hỏi thăm “cha” có hồi hộp không, ông nói: “Khâu then chốt là dạm ngõ đã vượt qua rồi, bữa nay, chú chỉ phát biểu mấy câu khi làm lễ, sau đó qua nhà hàng tiệc cưới đứng một lúc trên sân khấu cùng cha mẹ cô dâu thôi. Nhưng chú cũng... không dám ăn uống nhiều, để còn tỉnh táo tiếp chuyện nhà gái”. Vai trò của người đại diện quan trọng như vậy, nên người đóng thế cũng được trả cát sê cao (chỉ sau chú rể), khoảng 1 - 4 triệu đồng/lần.
Ông M. làm nghề tự do, thỉnh thoảng đóng vai quần chúng trong một số bộ phim. Ông so sánh: “Đóng phim một cảnh có khi diễn 7 - 8 lần, không được thì diễn lại. Còn ở đây, tuy là đám cưới giả nhưng mình phải làm thiệt và không có cơ hội diễn lại lần hai”.
Cách nhà cô dâu chừng 5 km, cả đoàn tấp vào quán cà phê ven đường. Giám sát của công ty nhắc lại các vai diễn và nhiệm vụ của từng người. Anh ta phát cho những người đóng vai bà con thân thích của chú rể những chiếc phong bì đựng tiền mừng cưới (tất nhiên, số “quà” này cô dâu nhận xong sẽ bí mật đưa cho chú rể hoặc hoàn lại khi thanh toán hợp đồng - PV).
“Cái gì có trong đám cưới thật, tụi mình đều làm y vậy. Chỉ có cái khác là... không động phòng mà thôi”, một chú rể nhận xét. Anh này cho hay có những phụ huynh phía nhà gái “bắt” chú rể ở lại trong đêm nhóm họ (bữa tiệc trước hôm đưa dâu một ngày) và nhất là trong đêm tân hôn...
“Người tổ chức đám cưới giả có rất nhiều phương án để né tránh những tình huống nhạy cảm. Trong đó, phổ biến nhất là viện cớ chú rể bận việc, phải đi công tác gấp hay gia cảnh neo đơn để... chuồn đẹp! Trường hợp không chuồn được thì... ai ngủ giường nấy”, anh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.