Bí mật đám cưới giả: “Nỗi đau em giấu một mình”

27/03/2018 07:35 GMT+7

Đa phần những người sử dụng dịch vụ đám cưới giả thường giấu gia đình, tự đứng ra xoay xở. Vào “ngày vui trọng đại” cuộc đời, họ gồng mình đối phó xung quanh và cả những cơn bão tố bất an vây bủa trong lòng.

Sau nhiều lần thuyết phục và cam kết bảo mật về nhân thân cô dâu, tôi được phía khách hàng cho phép tham dự cùng “nhà trai” trong đám cưới của cô. Đám cưới diễn ra đầu tháng 2 năm nay, tại một tỉnh khu vực miền Đông Nam bộ.
Đúng 6 giờ sáng, từ điểm tập kết gần cầu Giồng Ông Tố 1 (Q.2, TP.HCM), “đoàn nhà trai” hơn 10 người di chuyển trên hai xe du lịch có dán chữ song hỷ. Ai cũng diện đồ đẹp như đi dự đám cưới thật sự.
Như người mất hồn...
Vượt chặng đường xa ngái, chúng tôi đến nơi sát khung giờ thỏa thuận. Dẫn đầu đoàn nhà trai là người đại diện cùng một thanh niên bưng khay trầu rượu, tiếp theo là chú rể, đội bưng mâm quả và những “người thân”.
Nhà gái chộn rộn hẳn lên. Ở phòng thờ gia tiên, các bậc cao niên tay bắt mặt mừng đón đoàn nhà trai. Những đứa trẻ áo quần xúng xính hớn hở chờ cô dâu xuất hiện. Lần đầu tiên tham gia một đám cưới giả, tôi cảm thấy hồi hộp và có gì đó xốn xang. Các vị cao niên ấy, bà con nội ngoại của cô dâu, cả những em bé ngây thơ kia nữa, nếu biết đây là chú rể và đoàn nhà trai “dỏm”, họ sẽ phản ứng ra sao?
Giây phút chờ đợi diện kiến “cô dâu giấu mặt” đã đến. Từ trong buồng, cô gái trẻ mặc áo dài khăn đóng được mẹ dắt tay bước ra cúi chào mọi người. Cô dâu xinh đẹp nhưng mắt đỏ hoe, thất thần. Đôi tay cô hay đưa ra trước, vặn xoắn nhau như muốn che bớt cái bụng lùm lùm. Nghe tiếng vị chủ hôn nhà gái nhắc nhở: “Hai con thắp nhang lạy bàn thờ tổ tiên đi nào!”, cô dâu giật mình thảng thốt ngước nhìn các bài vị rồi vội vã quay mặt sang hướng khác...
Trái ngược với hình ảnh gượng gạo của cô dâu, chú rể đóng thế khá điềm tĩnh thực hiện các nghi thức. Chỉ đến lúc đeo nhẫn cưới, bông tai, dây chuyền vàng cho cô dâu, chú rể thoáng chút bối rối.
Nhìn bộ trang sức óng ánh trên người cô dâu, trong đầu tôi chợt vang lên những lời “trần trụi” của đại diện một công ty tổ chức đám cưới giả: “Tùy ý khách hàng mà bộ trang sức sính lễ của nhà trai mang tới là giả hay thật. Tuy nhiên, chúng tôi quyết liệt khuyên họ thời buổi hiện nay không nên dùng vàng giả vì rất dễ bị phát hiện. Thay vào đó, công ty đặt quỹ 20 triệu đồng để thuê một bộ nữ trang thật với giá 1 triệu đồng/ngày”. Ông này lưu ý: “Chú rể có trách nhiệm thu hồi bộ trang sức này. Cho nên, chú rể phải theo sát cô dâu, lỡ người ta tráo là chết!”.
Sau phần nghi thức, cô dâu phải gồng mình “đóng kịch” thêm ba tiếng đồng hồ nữa ở tiệc cưới. Phần đầu buổi tiệc, ngẫu nhiên nhà hàng phát bài hát Nỗi đau em giấu một mình, có những câu nghe như tiếng lòng cô dâu đang thổn thức: “Màu mưa hay nước mắt nơi em đang tuôn trào - Giờ ngày không anh em biết phải làm sao - Sẽ thế nào khi bao nỗi đau - Chỉ mình em đau nhưng em cố giấu...”.
Nỗi đau chôn giấu…
Khánh (31 tuổi, ngụ tại TP.HCM) đã tham gia bưng mâm quả ở 7 đám cưới giả, nhưng đây là lần anh thấy ấn tượng nhất. Khánh bày tỏ: “Có cảm giác cô này kìm nén dữ dội hơn các cô dâu khác, nếu được khóc thỏa thích chắc cổ “xả” ra ngập sân khấu. Không biết “người đàn ông trong bóng đêm” của cổ nhìn thấy cảnh này sẽ nghĩ gì? Riêng mình nghĩ, nếu anh ta không còn yêu thương cổ thì cũng nên có một động thái trách nhiệm nào đó, sao lại để thân con gái yếu đuối, cô đơn phải gánh mọi chuyện!”.
Tâm sự của cô dâu
Từng thuê chú rể và làm đám cưới giả, N. (quê Hải Dương, hiện đã chuyển vào TP.HCM) thú nhận: “Tôi không bao giờ tưởng tượng có ngày chính mình rơi vào tình cảnh này. Trước đó, tôi luôn nghĩ chúng chỉ có trong phim”.
N. cho biết cách đây mấy năm, khi đang là sinh viên hệ vừa học vừa làm tại Hà Nội, cô được một người đàn ông khá điển trai đeo đuổi. Sau 6 tháng quen nhau, N. “dính” bầu. Lúc bấy giờ, cô mới phát hiện người yêu đã có vợ con. Tưởng N. chưa biết chuyện, anh ta chối đây đẩy và khuyên cô nên bỏ cái thai.
N. kể: “Lúc đó em khóc suốt, ân hận và tủi thân lắm. Em nghĩ thương con mình sinh ra sẽ không có bố, mà nếu bây giờ mình đi tiếp thì thành phá hoại hạnh phúc gia đình người ta. Suy nghĩ mãi, em quyết định chia tay. Nhưng em nơm nớp lo bố mẹ bị thiên hạ cười chê khi vác bụng bầu “vô chủ” trở về”.
Phải đối phó với chính những người thân của mình, tôi thấy rất căng thẳng và buồn tủi
N. (từng thuê chú rể và làm đám cưới giả, quê Hải Dương)
Cho là mình không còn giải pháp nào khác, N. gom hết số tiền tích cóp từ nhiều năm đi làm và vay mượn thêm để thuê gói dịch vụ cưới giả giá 30 triệu đồng. N. tiết lộ cô chọn chú rể có ngoại hình khá và biết ăn nói, với mục đích: Khi về ra mắt, bố mẹ cô thấy chàng rể ngon lành thì cho xúc tiến cưới luôn, chứ xấu một chút dễ bàn ra tán vào. Viện cớ không có điều kiện, N. xin bố mẹ chỉ làm đám cưới ở nhà gái, có đại diện nhà trai dự.
Đến ngày cưới, theo kịch bản, vừa xong tiệc là nhà trai “bốc” cô dâu đi liền. Bỗng anh trai của N. dùng dằng đòi theo cho “biết nhà biết cửa thông gia”. N. xuống nước giải thích rằng nhà chồng ở xa lắm và tụi em phải lên Hà Nội làm việc luôn. Một tháng sau đám cưới, N. thuê “chồng” về nhà mình làm lễ lại mặt, ăn cơm trưa với người thân rồi lên đường. Bố mẹ N. phàn nàn: “Chúng mày làm gì mới về đã đòi đi ngay?”. “Vợ chồng” N. tiếp tục nại ra các khó khăn để rút đi.
Sinh con được 3 tháng, N. thông báo với gia đình là đã ly hôn, do vợ chồng không hợp nhau. Trước đó, mỗi lần bố mẹ đòi gặp chàng rể, N. đều nói dối chồng bận đi công tác... “Phải đối phó với chính những người thân của mình, tôi thấy rất căng thẳng và buồn tủi”, N. day dứt.
Mới đây, người viết có dịp về Tiền Giang dự đám cưới giả của một nữ công nhân. Được biết, do ám ảnh về những người đàn ông rượu chè bê tha ở địa phương, chị không muốn lấy chồng. Ngoài 30 tuổi, chị “xin con” từ một nguồn bí mật. Tuy nhiên, khi đậu thai, chị cũng không vượt qua nỗi sợ gia đình bị tai tiếng, nên vội thuê chú rể giả làm đám cưới. (còn tiếp)
Bị lộ !
Đại diện một công ty cung cấp dịch vụ cưới giả thừa nhận từng gặp sự cố ở tỉnh Gia Lai. Theo kịch bản, khi xong tiệc cưới “nhà trai” ra về. Nhưng cha mẹ cô dâu quá nhiệt tình, đã khóa cổng lại và bảo nếu chú rể bận đi công tác nước ngoài thì cứ về trước, còn họ hàng nhà trai phải ở lại “vui tiếp”. Trong khi đó, cô dâu không đủ tiền trả thêm phí cho các nhân sự. Năn nỉ mãi không được, cô đành thú nhận sự thật với cha mẹ. Cha cô rất tức giận, đánh đập con gái. Sau khi bình tĩnh, ông lịch sự “mời” họ nhà trai về.
Cách đây mấy năm, dư luận cũng xôn xao về vụ cô dâu là một nữ đồng tính ở tỉnh Vĩnh Long, vì muốn đối phó gia đình nên đã thuê chú rể làm đám cưới giả. Khi tiệc tùng diễn ra, nhà gái kiểm tra tráp đựng nữ trang do nhà trai mang tới thì phát hiện toàn vàng giả. Sự việc vỡ lở, chú rể giả tìm đường chạy thoát thân...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.