'Bí mật' đằng sau những khu vườn trĩu quả do giãn cách xã hội vì dịch Covid-19

16/10/2021 08:30 GMT+7

Tận dụng tháng ngày giãn cách xã hội, những người trẻ này cùng với người thân của mình 'biến' khu đất quanh nhà thành 'vườn' nông sản trĩu quả. Niềm vui với họ không chỉ có rau, củ quả sạch dùng hàng ngày mà còn những giá trị khác.

Làm vườn trong những ngày giãn cách xã hội, những người trẻ này nhận ra thêm nhiều điều ý nghĩa về cuộc sống.

Biết trân quý sự sống hơn

Nguyễn Thị Bảo Trâm (19 tuổi, quê ở xã Bình Hòa, Giồng Trôm, Bến Tre) hiện có khu vườn sau nhà với giàn bầu, bí, mướp... trĩu quả do cô và ba mẹ "tạo dựng" trong mùa dịch Covid-19 hồi giữa tháng 7, khi địa phương giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Bảo Trâm là sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, TP.HCM. Sau đợt nghỉ lễ 30.4 và 1.5, cô bất ngờ bị kẹt lại không thể lên TP.HCM vì Covid-19. Hai tháng sau đó, dịch bắt đầu có dấu hiệu lan rộng. Tận dụng thời gian này, các thành viên trong gia đình bắt đầu xây dựng khu vườn từ mảnh đất sau nhà.

Bảo Trâm cùng ba mẹ của mình với khu vườn sau nhà

nvcc

“Tận dụng sân vườn gần 3.000 m2 sau nhà, gia đình tôi đã trồng nhiều loại rau. Có cái mương nhỏ, ba tôi dựng giàn để trồng bầu, bí, mướp. Đến giữa tháng 8 chúng bắt đầu đơm hoa, kết trái thu hoạch không xuể”, Trâm hào hứng nói.

Khu vườn trĩu quả nhà Trâm

nvcc

Cô nàng 19 tuổi thừa nhận những tháng ngày vừa qua bản thân mới thật sự hiểu được sự cực nhọc khi làm nông. “Sáng nào sau khi tập thể dục xong, tôi và mẹ đều thăm vườn, tưới cây, xem chúng hôm nay khác hôm qua như thế nào. Nhiều khi phải vạch từng lá để xem có sâu không. Tự tay chăm sóc từng cây trong khu vườn giúp tôi rèn luyện tính kiên nhẫn hơn. Có được sự cẩn thận, chu đáo và tỉ mỉ. Nó khiến nhịp sống của tôi trở nên chậm hơn so với cuộc sống một mình trên Sài Gòn tấp nập. Từ đó, tôi hiểu được ý nghĩa của sự sống, học cách trân trọng cây cối cũng như biết trân quý hơn sự sống của con người”, Trâm nhớ lại.

Đậu rồng phát triển tươi tốt

nvcc

Trâm còn bộc bạch: “Thật sự, nhờ cái vườn mà tôi thấy nhiều tháng ở nhà là những ngày ý nghĩa vô cùng. Thay vì mải mê chăm chú vào màn hình tivi, điện thoại những lúc không học “online”. Tôi chọn cách cùng thăm vườn với ba mẹ. Từ đây, mọi người hiểu nhau, khắng khít nhiều hơn”.

Với Trâm và gia đình, hạnh phúc không chỉ vì khu vườn mình trồng cho nông sản liên tục mà hơn cả là được giúp đỡ người khác trong mùa dịch khi có thể san sẻ từng mớ rau cho bà con hàng xóm.

Quên đi những suy nghĩ tiêu cực

Trong khi đó, chị Võ Huệ, 29 tuổi, ở huyện Tánh Linh, Bình Thuận, cũng bắt đầu trở thành “nông dân” vào cuối tháng 7, khi công việc của chị bị "đóng băng" bởi ảnh hưởng dịch Covid-19.

Tại mảnh đất vỏn vẹn 10 m 2 của nhà mình, chị Huệ trồng các loại rau củ quả như: cải, mồng tơi, khổ qua, bầu, bí đỏ, xà lách, cà chua.... Đến cuối tháng 9, nơi chị đã nới lỏng giãn cách xuống Chỉ thị 15 thì nông sản tại vườn của chị phát triển không ngừng, đặc biệt là các loại rau. Hằng ngày gia đình chị ra đây thu hoạch để lấy nguồn thực phẩm sạch cho gia đình ăn, vừa tiết kiệm lại còn đảm bảo sức khỏe.

Khu vườn chị Huệ bắt đầu trồng vào tháng cuối tháng 7

nvcc

Không chỉ có nguồn nông sản dồi dào, chị Huệ còn tìm được những niềm vui, điều hay từ khu vườn nhỏ xinh của mình.

“Bản thân rất thích trồng trọt, khi có mảnh vườn theo mơ ước thì tôi thoả sức trồng và xem đó là một phần cuộc sống của mình. Chúng giúp tôi quên đi những suy nghĩ tiêu cực, cũng không còn vương vấn gì những chuyện buồn của bản thân, ngược lại thấy rất hạnh phúc và yêu đời hơn", chị Huệ nói.

Sau hơn hai tháng, rau từ khu vườn nhà chị Huệ có rau tươi tốt

nvcc

Khu vườn giúp chị Huệ không suy nghĩ tiêu cực

nvcc

Chị Huệ chia sẻ quá trình chăm sóc vườn cũng rất khó khăn vì đang là mùa mưa, rau dễ bị dập và úng nước, phải thường xuyên che đậy khi mưa to hoặc nắng gắt. Mùa mưa cỏ lên nhanh hơn nên phải nhổ cỏ liên tục.

Chị Huệ thu hoạch rau từ vườn nhà

nvcc

“Mỗi lúc ra chăm vườn, con gái hay quanh quẩn bên tôi hỏi đủ thứ rồi phụ bón phân và xới đất cho rau. Đôi lúc thấy mẹ làm, bé hay hỏi 'Mẹ có mệt không' rồi chạy đi rót cho mình ly nước. Đó là những lúc tôi cảm thấy ấm lòng và nghĩ có con gái là một điều tuyệt vời nhất trên đời", chị Huệ kể lại.

Con gái chị Huệ cũng thích thú với khu vườn

nvcc

Từ những ngày cùng con chăm sóc khu vườn trong thời gian giãn cách xã hội, người mẹ 29 tuổi càng trân trọng thời gian được ở bên cạnh, chăm sóc và trò chuyện với con mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.