Bí mật đằng sau việc kinh doanh hoa dịp 8.3

07/03/2023 13:23 GMT+7

Từ đêm 6.3, những "tiểu thương" bán hoa "cộp mác" sinh viên hiện diện khắp nơi ở phía trước Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng.

Bí mật đằng sau việc kinh doanh hoa dịp 8.3 - Ảnh 1.

Những người trẻ kinh doanh hoa gây quỹ để đi giúp đỡ trẻ em

NGUYỄN NHẬT THANH

Bán hoa gây quỹ

Trời vừa sập tối, nhiều sinh viên Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng đã tất bật cùng nhau giăng bạt, băng rôn để chuẩn bị vị trí bán hoa.

Trên vỉa hè, những tấm băng rôn "Bán hoa gây quỹ" của các nhóm Hand In Hand, câu lạc bộ (CLB) Địa lý - Môi trường, CLB Văn học… (cùng thuộc Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) được treo nối tiếp nhau, như một "làn sóng" thiện nguyện.

Đặng Ngọc Sơn (20 tuổi, chủ nhiệm nhóm Hand In Hand) chia sẻ: "Nhóm đã hình thành được khoảng 16 năm, do các anh ở Trung tâm bảo trợ Khánh Sơn thành lập. Cứ mỗi dịp lễ, nhóm lại tổ chức hoạt động bán hoa để gây quỹ, tổ chức các hoạt động cho trẻ em vùng cao ở các huyện: Nam Giang, Tây Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My của tỉnh Quảng Nam".

Để có được một hoạt động như thế, các thành viên trong nhóm đã phải thức khuya dậy sớm. "Từ lúc 4 giờ, tụi mình đã có mặt tại chợ Hàn để nhập hoa. Vì lúc ấy, hoa từ Đà Lạt mới về sẽ rất tươi. Khi biết tụi mình tổ chức bán hoa gây quỹ, các tiểu thương ở chợ cũng đã hỗ trợ, giảm giá hoa. Đó cũng là một thuận lợi, đồng thời là động lực cho tụi mình", Nguyễn Đăng Diệp, sinh viên Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, chia sẻ khi đang ăn vội ổ bánh mì.

Bí mật đằng sau việc kinh doanh hoa dịp 8.3 - Ảnh 2.

Khá nhiều nhóm sinh viên ở Đà Nẵng bán hoa gây quỹ

NGUYỄN NHẬT THANH

Để có nguồn vốn bán hoa, trong năm nhóm Hand In Hand đã tổ chức rất nhiều những hoạt động dưới nhiều hình thức như: bán móc khóa, bán kẹo, múa lân trung thu… để gây quỹ. Nguồn quỹ này đã trở thành số vốn để các thành viên "hóa thân" thành tiểu thương bán hoa.

Ngoài ra, khi những hoạt động của nhóm được lan tỏa, nhà hảo tâm ở các nơi cũng đã bắt tay cùng với Hand In Hand, tạo nên sự vững mạnh cho nhóm, cũng như các hoạt động của nhóm. Trong đó, có hoạt động bán hoa gây quỹ, mà dịp 8.3 này là minh chứng.

Tuy không là hoạt động lớn, nhưng các thành viên trong CLB cũng có sự tổ chức tốt. Các thành viên được chia thành ba nhóm. Một nhóm phụ trách mua hoa, một nhóm sẽ đảm nhận nhiệm vụ giao hoa và nhóm còn lại sẽ làm tiếp thị. Sự phối hợp ăn ý giữa các bạn cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của mình.

Bí mật đằng sau việc kinh doanh hoa dịp 8.3 - Ảnh 3.

Mong bán được nhiều hoa dịp 8.3 để có tiền thực hiện các chương trình thiện nguyện

NGUYỄN NHẬT THANH

Bán hoa gây quỹ có khó khăn?

Là lần đầu tiên tổ chức bán hoa gây quỹ, đại diện CLB Địa lý – Môi trường (thuộc Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) cho biết đã gặp những khó khăn, lo lắng nhất định.

Ngoài vấn đề "trông trời, trông đất, trông mây", họ còn gặp khó khăn như: không có vị trí bán hoa, vấn đề về khách hàng… Tất cả điều đó đã trở thành sức ép với những sinh viên này.

Mỗi dịp lễ, có quá nhiều những người bán hoa, sức cạnh tranh trên thị trường không ít, điều đó đã làm cho sinh viên dè dặt. Bùi Khắc Phượng (20 tuổi, chủ nhiệm CLB Địa lý – Môi trường) chia sẻ: "Chúng tôi rất sợ lỗ. Không biết với số lượng hoa như thế này mình có bán được hay không. Bán hoa như một cuộc đặt cược. Rất có thể mình sẽ thất bại trong hoạt động lần này".

Đa phần vấn đề kinh phí và vị trí bán hoa luôn luôn là chướng ngại vật đối với sinh viên. Đây không phải là một hình thức đầu tư. Mà đó là một hoạt động nhằm tăng nguồn quỹ lên. Nhưng nếu thất bại thì sẽ mất "cả chì lẫn chài".

Tuy nhiên, trong "phi vụ" này, nhiều CLB của Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng cũng đã có sự đề phòng và có "chiến lược" để chống thua lỗ. Không bán 100% hoa thật, các sinh viên đã phân bổ vốn ra làm hai để đầu tư một phần cho hoa giả. Vì hoa giả có thể trở thành "hàng tồn kho". Đồng thời, màu sắc, kiểu dáng đa dạng, bắt mắt cũng thu hút rất nhiều sự chú ý và bán khá chạy.

"Trong trường hợp xấu nhất, những bông hoa tươi trong ngày 8.3 còn nằm lại, nhóm sẽ mang đi tặng cho các cô lao công để tạo niềm vui cho họ", Bùi Khắc Phượng chia sẻ thêm.

Hiện tại, các nhóm sinh viên của Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng vẫn đang nỗ lực hết mình để bán được càng nhiều hoa càng tốt. Bởi khi bán được hoa nhiều, họ có thể có kinh phí nhằm thực hiện những hoạt động tình nguyện cho trẻ em vùng cao của tỉnh Quảng Nam trong thời gian đến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.