Nhà thầu Northrop Grumman vừa tiết lộ đang phát triển dòng oanh tạc cơ tàng hình thân cánh liền khối (hay còn gọi là cánh dơi) thứ hai trong lịch sử, chiếc B-21 Raider, cho không quân Mỹ, chuẩn bị dọn đường cho phiên bản trước đó là B-2 Spirit về hưu trong những thập niên tới. Lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng những dòng máy bay cánh dơi là phát minh của Mỹ, nhưng dựa trên nhiều tài liệu, chiếc máy bay phản lực thân cánh liền khối đầu tiên lại xuất phát từ các kỹ sư của Đức Quốc xã. Đó chính là Horten Ho 229, một trong những thiết kế đến nay vẫn được xem là vượt xa thời đại trong lịch sử hàng không thế giới.
Thiết kế cánh dơi đột phá
Giới kỹ sư và các nhà nghiên cứu thời nay gọi nó là “máy bay tàng hình của Hitler”. Tuy nhiên theo chuyên trang National Interest, dựa trên bản vẽ ban đầu, ưu tiên số 1 của dự án là tối đa hóa tốc độ và tầm bay, chứ không chú trọng vào năng lực tàng hình. Chủ nhân của bản thiết kế là hai anh em Walter và Reimar Hortens. Vào thời điểm phiên bản tàu lượn với thân cánh liền khối Horten Ho IV do họ phát triển bắt đầu bay thử, Walter đã nhập ngũ và trở thành phi công lái máy bay chiến đấu thuộc lực lượng không quân Luftwaffe của Đức Quốc xã. Ông đã bay yểm trợ phi công huyền thoại của Đức là Adolf Galland trong cuộc không chiến ở Anh kéo dài dai dẳng và nảy lửa giữa Đức Quốc xã và Anh vào năm 1940.
|
Đài BBC dẫn lời ông Russ Lee, nhà quản lý Bảo tàng Hàng không và Vũ trụ Smithsonian ở thủ đô Washington DC (Mỹ), nhận xét rằng đây là bước ngoặt cho phép dòng máy bay mới ra đời. “Tất nhiên người Đức thua trận, Walter nhận ra nước Đức cần một dòng chiến đấu cơ mới, và thiết kế thân cánh liền khối mà mình đang thử nghiệm có lẽ là ứng viên sáng giá cho vai trò này”, ông Lee cho biết. Năm 1943, Tổng chỉ huy Luftwaffe, thống chế Hermann Göring đưa ra yêu cầu về dòng máy bay mới. Theo đó, vận tốc phải đạt 1.000 km/giờ trong khi được trang bị những quả bom nặng 1 tấn. Thùng chứa nhiên liệu không những phải đảm bảo bay 1.000 km và quay về, mà còn duy trì được 1/3 số nhiên liệu cần dùng một khi phải tham gia không chiến.
|
Theo tính toán, đây là dòng chiến đấu cơ vô cùng phù hợp để tung vào chiến trường Anh, với tốc độ hơn hẳn các máy bay của đối thủ. Vào thời điểm đó, Đức đã chế tạo ra các động cơ phản lực mới, hoàn toàn phù hợp cho các chiến đấu cơ có tốc độ cao. Tuy nhiên, dạng động cơ này rất hao nhiên liệu, khó đảm bảo các cuộc đột kích tầm xa. Thế là anh em nhà Horten đưa ra ý tưởng sử dụng thiết kế cánh dơi, không đuôi, giảm tối thiểu lực cản về khí động học và từ đó ít tiêu hao nhiên liệu trong lúc bay ở vận tốc cao. Dự án chính thức được bật đèn xanh vào tháng 8.1943.
Chiến đấu cơ hoàn hảo
Anh em nhà Horten ban đầu chế tạo tàu lượn không động cơ Horten Ho 229 V1, có bộ cánh dài mỏng làm từ gỗ dán để giảm trọng lượng. Theo sau các đợt bay thử thành công V1 tại TP.Oranienberg vào tháng 3.1944, nguyên mẫu V2 ra đời với hai động cơ phản lực Jumo 004B. Nó còn được lắp ghế bật đời đầu, cho phép phi công thoát khỏi máy bay khi có biến. Chuyến bay thử đầu tiên diễn ra ngày 2.2.1945. Kết quả thu được hết sức khả quan. Chiếc V2 bay êm và kiểm soát tình trạng thất tốc tốt. Thậm chí nó còn đánh bại máy bay chiến đấu Me 262 trong cuộc đối đầu trên không. Tuy nhiên, quy trình thử nghiệm bị cắt ngắn vào ngày 18.2.1945 sau khi một trong hai động cơ phản lực của V2 đột nhiên bốc cháy và ngưng bay giữa trời khiến phi công tử nạn.
|
Bất chấp thảm kịch trên, thống chế Göring ký quyết định sản xuất 40 chiếc máy bay cánh dơi, lần này có tên chính thức là Horten Ho 229. Nhờ vào tốc độ đáng nể, dự kiến lên đến 975 km/giờ, máy bay được điều chỉnh thiết kế để trở thành tiêm kích, mang theo vũ khí là pháo Mark 103. Quá trình đóng mới 4 nguyên mẫu từ V3 đến V6 đã được khởi động, trong đó có 2 chiếc 2 chỗ ngồi. Tuy nhiên, Horten Ho 229 chưa bao giờ cất cánh vì quân phát xít thua trận. Vào tháng 4.1945, lực lượng Mỹ ập vào nhà máy ở Friedrichroda và mang về nước chiếc V3, lúc đó đang trong trạng thái lắp ráp hoàn chỉnh nhất.
Cho đến nay, một chuyên gia của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ vẫn tiếp tục mày mò trong nỗ lực nhằm khám phá những bí ẩn đằng sau chiếc máy bay này. Câu hỏi được đặt ra là bằng cách nào những người sáng tạo ra nó có thể vượt qua mọi thách thức khí động lực học để máy bay có thể cất cánh.
Bình luận (0)