Bí mật nghề 'trang điểm' món ăn

05/02/2016 08:46 GMT+7

'Food stylist chỉ phù hợp với người có đam mê, nguội tính, kiên nhẫn, chịu áp lực cao, xử lý tình huống tốt và có sức khỏe hơn người'.

'Food stylist chỉ phù hợp với người có đam mê, nguội tính, kiên nhẫn, chịu áp lực cao, xử lý tình huống tốt và có sức khỏe hơn người'.

Đó là chia sẻ của Bùi Lý Tiến Nguyên, một trong những bạn trẻ thành công với nghề 'trang điểm' cho món ăn tại VN hiện nay.
Để gặp Nguyên, chúng tôi phải hẹn trước hai tuần, bởi Nguyên đang tất bật với các dự án quảng cáo món ăn, thức uống trong dịp Tết Nguyên đán tới. Nguyên cho biết, có lẽ không ai “ăn” tết sớm bằng food stylist khi hằng năm, từ tháng 10 là họ đã phải thực hiện những bữa cơm truyền thống ngày tết với đầy đủ thịt kho, dưa hành, củ kiệu, bánh chưng, bánh tét, khổ qua dồn thịt, thịt đông, lạp xưởng, dưa hấu… để quay clip hay chụp ảnh quảng cáo về món ăn, thức uống. Nguyên cho biết anh đã phải từ chối bớt một số “mối”, vì nhu cầu cần food stylist khi tung ra sản phẩm mới, món ăn mới của doanh nghiệp, nhà hàng hiện nay rất cao.
Kiên nhẫn cỡ nào, vất vả cỡ nào ư? Đó là lúc bạn phải ngồi cả buổi trời để lựa ra những hạt đậu đẹp đều nhau như nàng Tấm nhặt thóc trong truyện Tấm Cám, từ đó mới cho ra những thước phim đẹp nhất khi quay quảng cáo nước tương.
Hay với quảng cáo bột nêm, các hạt trong bột nêm thường không đều, lúc đó, bạn phải sàng chọn ra những hạt đều, đẹp nhất để thực hiện cảnh quay đổ hạt nêm vào nồi súp, như thế mới khiến người xem phải ngất ngây thèm thuồng khi nhìn nồi súp đầy thịt, rau củ tươi ngon. Khi quay phim chụp hình quảng cáo mì gói cũng vậy.
Để có một cọng rau đẹp như ý, đôi khi phải đi chợ cả buổi mới tìm được. Để khiến người xem ti vi phải chảy nước miếng với tô mì quảng cáo, vừa nấu xong, food stylist phải vớt mì ra, ngồi lựa từng sợi mì đều đẹp nhất rồi… xếp lại thành tô mì thật hấp dẫn. Chỉ một cảnh quay 1 giây thôi phải thực hiện trong mấy tiếng đồng hồ dưới ánh đèn quay phim nóng rát da, mà chỉ một thời gian ngắn là cọng mì đã nở tè le, đòi hỏi food stylist phải chuẩn bị đến tận… 30 tô mì để sẵn, mà tô nào cùng phải đẹp ngon đến từng chi tiết. Hay khi quảng cáo cà phê, có doanh nghiệp yêu cầu food stylist phải làm theo đúng quy trình pha cà phê như hướng dẫn trong sản phẩm của họ và phải pha làm sao cho sản phẩm không chỉ có màu sắc đẹp mà còn phải có độ ngon cao nhất dù chỉ nhìn bằng mắt...
Cứ khoảng một thời gian ngắn sau, thức uống không còn ngon như ý là phải pha ly cà phê khác. Vậy là food stylist cứ liên tục ngồi pha cà phê với một quy trình nghiêm ngặt. Có clip có thể thực hiện liên tục trong 24 giờ đồng hồ, cũng có nghĩa chừng đó thời gian, food stylist phải đứng chỉnh sửa món ăn hay pha nước uống mà không được nghỉ ngơi.
Đó là chưa kể vì áp lực thời gian này mà người đại diện doanh nghiệp, nhà hàng rất dễ “nổi khùng” với food stylist nếu như họ không hài lòng vấn đề nhỏ nào đó, lúc này food stylist không nhẫn nhịn, bình tĩnh, chịu đựng giỏi mà “khùng” lên theo thì khả năng phá sản buổi quay phim hay chụp ảnh, dẫn đến bồi thường hợp đồng rất cao. Mà có những hợp đồng phí bồi thường còn hơn cả thu nhập một năm cày cuốc của food stylist.
Đó là chưa kể trường hợp những món ăn không chịu được nhiệt độ cao của đèn trong lúc chụp ảnh hay quay phim, buộc các food stylist phải biết sáng tạo ra những món ăn giả có hình dáng đẹp hoàn toàn giống thật. Chẳng hạn như Nguyên từng dùng khoai tây xay nhuyễn rồi tạo hình, nhuộm màu y chang kem khoai tây thật. Rồi những trường hợp món ăn được đòi hỏi phải hoàn hảo một cách tự nhiên, có nghĩa là food stylist phải biết cách cố ý “gây lỗi” cho món ăn để nó mang nét tự nhiên nhất. Đây là một yêu cầu còn khó hơn so với việc chỉ làm cho món ăn hoàn hảo.
Ngoài thời gian thực hiện dự án, food stylist luôn phải nâng cao kiến thức cho mình bởi muốn làm một food stylist giỏi đỏi hỏi bạn phải có kiến thức về thực phẩm rất cao, như biết được rong biển loại nào trên thế giới ngon và đẹp nhất, rau muống thì phải biết loại nào luộc lên là cho màu xanh đẹp nhất, biết cách “lột da” một ổ bánh mì có lớp vỏ đẹp nhất để “dán” vào ổ bánh mì có dáng đẹp nhất mà người ngoài nhìn vào không phát hiện được điều này...
Nguyên chia sẻ: Để trở thành một food stylist ở đỉnh cao, ngoài đam mê, bạn phải mất không ít thời gian để học hỏi và rèn luyện mình, từ khoảng 4 - 8 năm, thậm chí là hơn khoảng thời gian đó. Đầu tiên bạn cần có kiến thức chuyên ngành ở trường, kiến thức về thực phẩm, về cách trang trí món ăn, sau đó, cần theo một ê kíp chuyên nghiệp học hỏi trong khoảng 3 - 4 năm, rồi làm ra những sản phẩm cho chính mình, để lấy lòng tin của doanh nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.