Trong bài Hé lộ bệnh của vua Gia Long, chúng tôi đã nêu ra tình trạng bệnh tật của nhà vua những năm tháng cuối đời khiến các ngự y phải cực nhọc lập phương án chữa trị.
Một số trang châu bản tấu việc dâng thuốc cho vua Minh Mạng - Ảnh: B.N.L chụp lại từ tư liệu
|
Đến khi nhà vua băng hà, các quan ngự y đứng đầu Thái y viện đều phải vướng vào vòng lao lý.
Vinh nhục cận kề
Mặc dù quy trình khám, chẩn bệnh cho nhà vua vô cùng nghiêm ngặt, nhưng chỉ cần một sơ suất nhỏ hay thậm chí không sai vẫn có thể trở thành kẻ phạm tội ngay tức thì nếu sự cố xảy ra. Theo luật, nếu rủi ro, vua vừa uống thuốc đã chết, lập tức các quan ngự y bị bắt giam, cho đến khi vua mới đăng quang, nếu xét rõ vô tội mới được tha.
Trường hợp của Gia Long là một điển hình. Sau một thời gian dài lâm bệnh, mặc dù các quan ngự y nỗ lực chẩn bệnh và dâng nhiều bài thuốc nhưng bệnh vua vẫn không thuyên giảm, đến ngày 19 tháng chạp năm Kỷ Mão (1819) vua băng hà. Các quan ngự y gồm chính ngự y Nguyễn Tiến Hậu, phó ngự y Đoàn Đức Hoảng và cai bạ hầu thuốc Trần Vân Đại đều bị bắt giam. Mãi đến tháng 3, năm Canh Thìn (1820), nhờ các đại thần hết sức tâu xin, những người này mới được tha về làng.
Sách Đại Nam thực lục có nêu việc vua Minh Mạng phàn nàn: “Nghề làm thuốc khó tinh. Khi tiên đế ốm, bọn Vân Đại (tức Trần Vân Đại - PV) hầu thuốc thay, hỏi thì lúc nào cũng nói tất khỏi, sau cùng không có hiệu nghiệm gì, khiến trẫm đến nay còn giận”.
Khi vua Minh Mạng lên ngôi (1820) đã bổ nhiệm lại một loạt quan ngự y mới. Theo bản tấu của Thái y viện ngày 17 tháng 11 năm Minh Mạng thứ nhất (1820), ông Đoàn Văn Hòa (quê xã An Truyền, tổng Vĩ Dã, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong) là người đứng đầu Thái y viện với chức tống thị ngự y phó đã dâng lên nhà vua một bản danh sách gồm 85 người ở Thái y viện để xin thăng thụ phẩm hàm.
Thế nhưng, sau đó từ người đứng đầu Thái y viện, ông Đoàn Văn Hòa cùng một loạt quan ngự y khác đều mắc lỗi và bị giáng cấp. Châu bản năm Minh Mạng thứ 8 (1827) chép việc phó ngự y Nguyễn Tăng Long trước đây có lỗi bị giáng xuống 4 cấp, phó ngự y Đoàn Văn Hòa có lỗi cũng bị giáng 4 cấp, y chính Trần Văn Diên bị giáng 3 cấp. Nay nhân gặp dịp lễ lục tuần đại khánh của hoàng thái hậu, ban ơn cho phép được phục hồi một cấp... Nên người đời sau ví làm ngự y như chơi với hổ, không sao lường được sự sống chết, thưởng phạt của mình.
Không chữa khỏi bệnh, bị đánh 30 roi
Quan ngự y được hưởng lương và bổng lộc do nhà vua quy định, nhưng nếu có lỗi cũng sẽ bị phạt rất nghiêm. Sách Đại Nam thực lục chép, năm Gia Long thứ 17 (1818) nhà vua ban chiếu định lại lương bổng cho quan viên, trong đó Thái y viện cũng được hưởng lương mới.
Theo đó, quan chính ngự y hằng năm được 35 quan tiền, 35 phương gạo, tiền áo xuân phục 9 quan. Phó ngự y lương 30 quan, gạo 30 phương, tiền áo xuân phục 8 quan. Y chính lương 22 quan, gạo 22 phương, tiền áo xuân phục 6 quan. Y phó, y sinh, ngoại khoa không có lương. Về sau lương bổng dần được cải thiện. Năm Minh Mạng thứ 20 (1839), viện sứ, cả năm lương 80 quan, gạo 60 phương, tiền áo xuân phục 10 quan. Chính ngự y, tiền 40 quan, gạo 35 phương, áo xuân phục 9 quan...
Sách Đại Nam Hội điển sự lệ chép, năm Minh Mạng thứ 3 (1822), nhà vua ra chỉ dụ quy định: “Cho phái 5 thuộc viên Viện Thái y cùng mang theo thuốc của nhà nước đến chỗ công trường sửa thành, ở tản ra mọi nơi, gặp quan, lính xứ ấy có tật bệnh thì phải hết lòng điều trị, cốt chữa được nhiều người khỏi bệnh. Công việc xong sẽ giao cho bộ hộ phân biệt công trạng, ai có công hiệu nhiều thì được thưởng, ai không có công trạng gì thì phải xử rất nghiêm...”.
Theo đó, sau khi bộ hộ soát xét công trạng, có 3 y sinh điều trị 3 phần, khỏi được trên dưới 2 phần, thưởng cho tiền phi long hạng lớn bằng bạc, mỗi người 1 đồng; có 5 y sinh điều trị khỏi trên dưới 1 phần, được thưởng tiền phi long hạng nhỏ, mỗi người 1 đồng. Có trường hợp 2 y sinh điều trị không khỏi người bệnh nào, bị đem ra đánh 30 roi và căn dặn: “Nếu lần sau không chữa khỏi như thế thì phải trị tội nặng hơn, không thể tha thứ”.
Các quan ngự y có công lớn được ban thưởng thăng chức hàm. Theo Đại Nam Hội điển sự lệ, năm Minh Mạng thứ 20 (1839), nhà vua có chỉ: “Nguyên y phó Thái y viện là Đặng Văn Chức, văn học khá thông, hơi biết nghề chữa bệnh, lại sung bổ viện ấy lâu năm, làm việc đắc lực, vốn được viện ấy tôn trọng. Vậy gia ân bạt bổ Đặng Văn Chức làm tả viện phán Thái y viện”.
Năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), nhà vua có dụ rằng: “Lần này hoàng tử lên đậu mùa, bệnh được tốt lành. Vậy gia ân cho người trước sau trông coi thuốc thang là y chính Nguyễn Văn Hạnh được thăng thực thụ hữu viện phán Viện Thái y, Đoàn Công Loan cho chuyển bổ làm tả viện phán”.
Bình luận (0)