Thuốc rapamycin là phó phẩm của vi khuẩn được tìm thấy trong lớp đất ở phần đổ bóng của các đầu tượng đá nổi tiếng Moai ở đảo Phục Sinh - nằm ở vị trí vô cùng xa xôi và cô lập tại Thái Bình Dương, cách bờ lục địa gần nhất là miền trung Chile khoảng 3.512 km.
Mẫu đất chứa rapamycin đầu tiên đã được thu thập vào năm 1964 nhờ công của Georges Nógrády, nhà vi sinh học của Đại học Montreal (Canada). Thế nhưng, phải mất 5 năm sau hợp chất này mới được phát hiện khi các nhà khoa học của Hãng dược Ayerst Pharmaceutical bắt tay vào phân tích mẫu đất, theo chuyên san Chemical & Engineering News ngày 26.7.
Vào năm 1969, họ tìm được một chất áp chế hệ miễn dịch cực mạnh chủ yếu tấn công protein gọi là mTOR, trung tâm dẫn truyền tín hiệu dinh dưỡng, và có thể ngăn tế bào ung thư phân chia.
Kể từ đó, các nhà khoa học đã làm rõ thêm nhiều bí mật về loại thuốc trên, phát hiện nó có thể hỗ trợ chống lại khối u và ngăn chặn tình trạng đào thải ở các bệnh nhân ghép bộ phận cơ thể. Trong báo cáo vào năm 2009, rapamycin có thể kéo dài tuổi thọ ở chuột trưởng thành, tăng thêm 9% thời gian sống cho chuột đực và 14% ở chuột cái.
Và mới đây, các chuyên gia của Đại học Washington (Mỹ) cũng thử nghiệm rapamycin trên chó và phát hiện chó được dùng thuốc đã cải thiện chức năng tim mạch. Tuy nhiên, giới khoa học gia cũng cảnh báo rằng vẫn chưa rõ liệu chất áp chế mTOR có an toàn để sử dụng trong thời gian dài hay không, vì hoạt động kiềm chế hệ miễn dịch sẽ khiến đối tượng dễ bị viêm nhiễm hơn.
Bình luận (0)