Bí mật về cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba

16/10/2012 12:20 GMT+7

(TNO) Cuba suýt chút nữa đã trở thành cường quốc hạt nhân sau khi cuộc khủng hoảng tên lửa vào tháng 10.1962 trôi qua, theo những hồ sơ mới được tiết lộ nhân dịp kỷ niệm 50 năm thời điểm thế giới đứng bên bờ vực một cuộc chiến tranh hạt nhân.

(TNO) Cuba suýt chút nữa đã trở thành cường quốc hạt nhân sau khi cuộc khủng hoảng tên lửa vào tháng 10.1962 trôi qua, theo những hồ sơ mới được tiết lộ nhân dịp kỷ niệm 50 năm thời điểm thế giới đứng bên bờ vực một cuộc chiến tranh hạt nhân.

>>> Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba: Khi cả thế giới nín thở

Bí mật phía sau cuộc khủng hoảng nguy hiểm nhất lịch sử

Trong các cuộc tranh cãi sau khi vụ khủng hoảng tưởng chừng như đã kết thúc, nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro đã đòi Liên Xô để lại gần 100 vũ khí hạt nhân chiến thuật tại đảo quốc này.

Lịch sử ghi lại rằng các cuộc thảo luận căng thẳng trong suốt 13 ngày vào tháng 10.1962 đã kết thúc khi Tổng thống Mỹ John F. Kennedy và nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đạt được thỏa thuận vào giờ thứ 11. Để đổi lại việc rút tên lửa hạt nhân khỏi Cuba, Liên Xô được Mỹ cam kết sẽ không xâm lược Cuba.

Cuộc đối đầu đã được mô tả là thời khắc nguy hiểm nhất trong lịch sử được ghi chép của nhân loại. Tuy nhiên, những gì xảy ra trong thực tế thậm chí còn tồi tệ hơn rất nhiều, theo thông tin mới được công bố.

Dựa trên dòng thời gian mới của các sự kiện, cuộc khủng hoảng không chấm dứt bằng thỏa thuận vào ngày 28.10.1962 mà âm thầm kéo dài đến tận tháng 12 năm đó, theo tờ Kansas City Star.

Các tiết lộ nằm trong số hồ sơ được tặng cho Văn khố An ninh Quốc gia của Đại học George Washington và mới xuất hiện trong một cuốn sách mới có tên The Soviet Cuban Missile Crisis (tạm dịch: Cuộc khủng hoảng Tên lửa Liên Xô - Cuba).

Cuốn sách được chấp bút bởi Sergo Mikoyan, con trai của vị quan chức Liên Xô đóng vai trò trung tâm trong câu chuyện, và nhà nghiên cứu Svetlana Savranskaya, người hoàn thành công việc sau khi Mikoyan qua đời vào năm 2010.

 Bí mật về cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba
 Fidel Castro thị sát một căn cứ không quân bí mật trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba - Ảnh: AFP

Diễn biến cuộc khủng hoảng bí mật giữa Liên Xô - Cuba

Câu chuyện mở màn vào khoảnh khắc Khrushchev nói với Kennedy rằng ông sẽ tháo gỡ “các tên lửa mà các ông gọi là tên lửa tấn công” ra khỏi Cuba, gồm các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân R-14 và R-12 có khả năng bắn đến những thành phố Mỹ nằm cách đó 2.500 km và các oanh tạc cơ IL-28 có thể gắn bom hạt nhân.

Điều mà nhà lãnh đạo Liên Xô liều lĩnh không đề cập đến là việc ông đã triển khai 98 vũ khí hạt nhân chiến thuật, gồm các tên lửa Luna và FKR-1, nhằm bảo vệ Cuba trước một sự kiện Vịnh con Heo thứ hai.

Các quan chức ở Washington biết về tên lửa Luna song họ không biết việc chúng được trang bị đầu đạn hạt nhân mãi đến năm 1992.

Theo tiết lộ, Fidel Castro đã nổi giận khi cả thế giới thở phào nhẹ nhõm trước việc Liên Xô bắt đầu tháo gỡ các tên lửa tầm xa. Ông đã bị gạt ra rìa trong các cuộc thương lượng giữa hai cường quốc.

Vì lo ngại Castro có thể phá hủy thỏa thuận với Mỹ, Khrushchev đã cử cánh tay phải của ông là Phó thủ tướng Anastas Mikoyan đến Havana để vỗ về người bạn Castro.

Các nhiệm vụ của Mikoyan bao gồm: Trấn an Castro rằng Tổng thống Mỹ John Kennedy đã cam kết không xâm lược Cuba; Xoa dịu cơn giận của Castro trước việc Moscow chẳng thèm đếm xỉa đến ông trong các cuộc thương lượng với người Mỹ; Gây sức ép buộc Castro chấp nhận các cuộc thanh sát nhằm xác nhận việc tháo gỡ các vũ khí chiến lược; Thúc giục Castro không bắn các máy bay do thám Mỹ; Dàn xếp vấn đề các đầu đạn chiến thuật.

Ngay khi vừa mới đặt chân đến Cuba, Mikoyan được báo tin rằng vợ ông đã qua đời; song, ông không có nhiều thời gian để đau buồn.

Ban đầu, Mikoyan nói với Castro rằng ông có thể giữ lại các vũ khí hạt nhân chiến thuật mà người Mỹ không phát hiện.

Tuy nhiên, vào ngày 27.10, một ngày trước khi cuộc khủng hoảng chấm dứt trước mắt công chúng, Castro đã đánh điện cho Khrushchev thúc giục ông này tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu nhắm vào các mục tiêu Mỹ.

Vài tuần sau đó, vào ngày 19.11, nhà lãnh đạo Cuba chỉ thị cho đại sứ của ông tại Liên Hiệp Quốc Carlo Lechuga tiết lộ với thế giới rằng Cuba sở hữu đầu đạn hạt nhân chiến thuật.

Thông báo này không bao giờ được đưa ra bởi chỉ thị đã nhanh chóng được rút lại.

Trong một cuộc tranh luận căng thẳng, Castro đã hét vào mặt Mikoyan: “Các ông nghĩ chúng tôi là ai?... Chúng tôi chỉ cố giúp Liên Xô thoát ra khỏi tình huống khó khăn này”.

Những chuyện này, cùng chỉ thị bắn hạ các máy bay do thám Mỹ của Castro, thuyết phục Mikoyan rằng họ không thể kiểm soát được đồng minh Cuba.

Mikoyan đã tự đưa ra quyết định rằng Castro không đáng tin cậy và các tên lửa phải được tháo gỡ khỏi Cuba.

Bí mật về cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba
 Tổng thống Mỹ John Kennedy ký lệnh phong tỏa Cuba - Ảnh: AFP

Vấn đề các đầu đạn chiến thuật trở nên nóng bỏng vào đêm 22.11, khi Mikoyan gặp gỡ với Castro, Ernesto “Che” Guevara và ba quan chức chính phủ cao cấp khác của Cuba tại Phủ Chủ tịch ở Havana.

“Liệu có phải mọi vũ khí hạt nhân chiến thuật đã được tháo gỡ?”, Castro hỏi, theo bản ghi chép của phái đoàn Liên Xô.

Mikoyan trả lời rằng Moscow “không đưa ra bất kỳ lời hứa nào liên quan đến việc tháo gỡ” các vũ khí chiến thuật. “Người Mỹ không có bất kỳ thông tin nào về sự hiện diện của chúng ở Cuba”, Mikoyan nói.

Tuy nhiên, Mikoyan nói dối với Castro rằng có một đạo luật của Liên Xô (vốn không hiện hữu) cấm việc chuyển giao lâu dài vũ khí hạt nhân cho người Cuba.

“Vậy là các ông có một đạo luật cấm chuyển vũ khí hạt nhân chiến thuật cho các nước khác? Thật đáng tiếc. Và khi nào các ông sẽ hủy bỏ đạo luật đó?”, Castro hỏi.

“Chúng ta hãy chờ xem”, Mikoyan trả lời.

Vào ngày 1.12.1962, các đầu đạn chiến thuật được đưa ra khỏi Cuba trên con tàu hàng Arkhangelsk và cập cảng Severomorsk vào ngày 20.12. Có lẽ đây mới là thời điểm chấm dứt thật sự của cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.

“Thật trớ trêu, nếu người Cuba dễ bảo hơn một chút, và bớt độc lập hơn một chút, nếu họ sẵn lòng làm "quân tốt" của Liên Xô, họ sẽ giữ được vũ khí hạt nhân chiến thuật trên đảo”, nhà nghiên cứu Svetlana Savranskaya viết trên tờ Foreign Policy.

Những hé lộ ban đầu

Mikoyan qua đời ở tuổi 82 vào năm 1978 vì tuổi già sức yếu.

Sergo Mikoyan, người đảm nhận vai trò thư ký cho cha ông, là một trong số các chuyên gia hàng đầu về Nam Mỹ của Liên Xô và là tổng biên tập Tập san Nam Mỹ do Viện Khoa học Liên Xô xuất bản. Sergo Mikoyan đã tháp tùng cha trong những ngày đầu tiên ông đặt chân đến Cuba.

Vào năm 1962, chính phủ Mỹ biết về việc triển khai tên lửa Luna và nghi ngờ chúng được trang bị đầu đạn hạt nhân song không biết toàn bộ chi tiết về các vũ khí chiến thuật này cho đến một cuộc hội thảo ở Havana vào năm 1992, nhân kỷ niệm 30 năm cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.

Tại cuộc hội thảo có sự tham dự của các phái đoàn Mỹ, Liên Xô và Cuba, đại tướng Liên Xô Anatoly Gribkov, người phụ trách điều động các tên lửa tại Cuba, tiết lộ rằng Moscow từng triển khai chín tên lửa Luna trang bị đầu đạn hạt nhân để chống lại một cuộc xâm lược của Mỹ.

“Mỹ không biết về việc các đầu đạn này được đưa đến hòn đảo - các tên lửa không có đầu đạn không quá nguy hiểm”, giáo sư Philip Brenner, người tham dự hội thảo, phát biểu với tờ Kansas City Star.

Theo Brenner, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara, người cũng tham dự hội thảo, đã quá sửng sốt đến nỗi ông phải “nắm chặt tay bàn để lấy lại bình tĩnh sau khi nghe điều này”.

Tuy nhiên, cũng như Khrushchev, Gribkov không tiết lộ toàn bộ sự thật. Thực tế, có đến 80 tên lửa hành trình FKR-1 mang đầu đạn hạt nhân, 12 tên lửa Luna mang đầu đạn hạt nhân và sáu quả bom hạt nhân được gắn trên các oanh tạc cơ IL-28.

Sơn Duân (tổng hợp)

>> Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba: Khi cả thế giới nín thở
>> Cuba muốn bình thường hóa quan hệ với Mỹ
>> Giáo hoàng Benedict XVI chỉ trích lệnh cấm vận Cuba
>> Cuba mất 1.660 tỉ USD do cấm vận
>> Phiên bản “Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba”
>> Chủ tịch Cuba Fidel Castro: "Mấy thứ đó làm tôi phát ốm!”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.