Bỏng da là vấn đề sức khỏe khá phổ biến. Các thống kê ở Mỹ cho thấy khoảng 86% nguyên nhân gây bỏng là do tiếp xúc nhiệt. Các nguyên nhân khác là tiếp xúc bức xạ tia X, tiếp xúc hóa chất, điện và một số nguyên nhân khác, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Phương pháp điều trị bỏng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như diện tích da bị ảnh hưởng, độ sâu, vị trí, tuổi tác và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Nếu vết bỏng nhẹ thì bệnh nhân nên tưới nước mát lên vết bỏng, rửa bằng xà phòng kháng khuẩn nhẹ, bôi thuốc mỡ kháng sinh và băng lại nếu cần thiết.
Trường hợp vết bỏng gây đau rát, khó chịu thì cần dùng thuốc giảm đau không kê đơn. Bỏng nghiêm trọng sẽ cần phải được điều trị y tế khẩn cấp.
Khi da lành lại thì ngứa là một trong những vấn đề rất phổ biến. Một nghiên cứu công bố trên chuyên san International Journal of Molecular Sciences cho thấy phụ nữ, bệnh nhân hồi phục sau phẫu thuật, bị bỏng trên diện tích da lớn, bỏng ở mặt và tay, chân sẽ dễ bị ngứa khi da đang lành. Về mặt y tế, cảm giác ngứa này lại gọi là ngứa sau bỏng.
Một số phương pháp có thể điều trị ngứa sau bỏng. Thuốc viên kháng histamine thường được dùng như cách điều trị chính. Tuy nhiên, loại thuốc này không phải lúc nào cũng hiệu quả. Nguyên nhân vì thuốc kháng histamine sẽ có hiệu quả tốt với các loại ngứa do dị ứng, tình trạng mà cơ thể phóng thích quá nhiều histamine. Trong khi đó, ngứa sau bỏng là loại ngứa da hoàn toàn khác.
Nếu không dùng thuốc thì các phương pháp như làm mát, giữ ẩm và xoa bóp có thể giúp giảm ngứa hiệu quả. Những cách trị ngứa sau bỏng khác có thể kể đến là dùng thuốc ondansetron hay một số chất gây tê tại chỗ như lidocain, theo Healthline.
Tuy nhiên, cách tốt nhất là nên đi bác sĩ khám để được điều trị thích hợp.
Bình luận (0)