Bà H.T.S (53 tuổi, ngụ Trà Vinh) làm nghề giúp việc và rửa chén tại một quán ăn ở địa phương.
Trước khi nhập viện 3 ngày, bệnh nhân thấy kẽ ngón 1 và 2 của bàn chân trái chảy dịch. Bệnh nhân chỉ nghĩ là do nước đọng.
Tuy nhiên, dịch càng xuất hiện nhiều hơn kèm theo tình trạng sưng đỏ bàn chân trái và sốt lạnh run. Khi đó, bệnh nhân mới đến khám tại bệnh viện địa phương và được chuyển viện đến Bệnh viện Nhân dân 115.
Ngày 18.2, thạc sĩ - bác sĩ Võ Tuấn Khoa (Khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM), cho biết: Các bác sĩ nhận thấy bàn chân trái của bệnh nhân sưng đỏ toàn bộ, ở mặt lòng ngón chân số 1 (ngón cái) có nhiều dịch chảy ra.
“Điểm đặc biệt là trên cả hai bàn chân có in dấu vết của quai dép (dép kẹp) và kẽ ngón 1, 2 chân trái chảy dịch cũng là vị trí quai xỏ của dép ở bàn chân”, bác sĩ Khoa lưu ý thêm.
Qua phim chụp X - quang bàn chân trái, không ghi nhận tổn thương. Các xét nghiệm khác cho thấy, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng bàn chân trái mức độ năng. Đặc biệt, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị đái tháo đường loại 2.
Bệnh nhân không có tiền sử đái tháo đường trước đó.
Bệnh nhân đã được xử trí nhiễm trùng bàn chân trái, cắt lọc phần hoại tử. Hiện đang được điều trị đái tháo đường.
Theo bác sĩ Khoa, đây là trường hợp tình cờ phát hiện đái tháo đường liên quan xuất hiện biến chứng trầm trọng của bệnh (nhiễm trùng bàn chân).
Có các yếu tố thúc đẩy bệnh nhân này bị nhiễm trùng bàn chân, gồm: đường huyết rất cao (khi phát hiện), bệnh nhân mang giày dép không phù hợp, gây sang chấn bàn chân; bệnh nhân làm việc trong môi trường ẩm ướt thường xuyên, có thể có chất ăn mòn da (như công việc rửa chén dĩa tại các quán ăn).
“Bệnh đái tháo đường (chủ yếu là đái tháo đường loại 2) thường không có triệu chứng gì gợi ý và có thể được phát hiện chậm trễ khi đã có biến chứng”, bác sĩ Khoa nói thêm.
Do đó, bác sĩ Khoa khuyến cáo người dân nên tầm soát phát hiện sớm đái tháo đường khi tuổi từ 45 trở lên. Đặc biệt, có một số các yếu tố nguy cơ như: gia đình trực hệ có người bị đái tháo đường, bản thân đã từng đái tháo đường thai kỳ hoặc sanh con trên 4 kg hoặc thừa cân/béo phì, tăng huyết áp…
Đối với bệnh nhân đái tháo đường, việc mang dép kẹp (còn gọi là dép xỏ ngón) có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng bàn chân do dép không che phủ toàn bộ mu bàn chân nên ít khả năng bảo vệ được vùng da chân khi sang chấn.
Ngoài ra chỗ tiếp xúc giữa quai xỏ và kẽ ngón chân lâu ngày có thể bị trầy và đọng nước tạo điều kiện cho nhiễm trùng xuất hiện.
Bình luận (0)