Khu phố 6, P.Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một từ lâu được xem là "thủ phủ" củ kiệu tết . Nhiều nông dân ở đây gắn bó với củ kiệu trên 30 năm. Gần chục năm nay, đất nông nghiệp ở đây bị thu hẹp dần, nhường chỗ cho các công trình dân sinh , nhưng nhiều gia đình vẫn gắn bó với nghề trồng kiệu tết.
Những ngày này, người dân bắt đầu nhổ củ kiệu bán tết. Mùi củ kiệu tươi thoang thoảng, bóng nông dân, thương lái thấp thoáng từ sáng sớm trên cánh đồng rộng lớn.
Ông Võ Văn Hoan (67 tuổi) năm nay trồng khoảng 1.000 mét vuông lấy củ. "Kiệu trồng chừng 3 tháng 15 ngày nhổ thì củ mới đạt đến độ chắc, cứng và thơm nhưng nhà tôi phải bán sớm 1 tuần vì vừa bị nhổ trộm sạch 3 luống, ước tính cả trăm kg".
Bà Ngỗ Tuyết Vũ (65 tuổi) vợ ông Hoan cho biết năm nay kiệu tết của gia đình củ to, đạt chất lượng. Có thể vì lý do đó mà bị trộm ghé thăm. Lớn tuổi, thức đêm ở chòi canh vất vả nên vợ chồng bà quyết định nhổ sớm.
Từ ngày 5 - 8.1 gia đình ông Hoan huy động người thân đến phụ nhổ củ kiệu. Mọi người tranh thủ làm từ sáng sớm đến gần trưa thì nghỉ, chiều lại tiếp tục.
Kiệu được trồng trên các luống cao, đất tơi xốp nên việc thu hoạch khá dễ dàng, nhanh chóng.
Mọi người bó lại từng bó khoảng 1 - 2 kg/bó sau đó rửa sạch trước khi cân bán cho thương lái.
Kiệu thu hoạch vào thời điểm khoảng 1 tháng trước tết được thương lái phân phối đến các chợ, bán để người dân làm các món củ kiệu ngâm.
Mương nước cạnh ruộng là nơi tập kết kiệu để rửa sạch, đợi thương lái đến cân tại chỗ. Thức dậy từ 3 giờ để nhổ kiệu, đến gần trưa thì người bà Vũ đã ướt sũng.
Thương lái vào tận nơi mua, giá củ kiệu năm nay đang ở mức 25.000 đồng/kg, không cao so với mọi năm. Nông dân ở đây cho biết, có năm trúng vụ, thương lái mua giá cao đến 40.000 đồng/kg.
Mọi công đoạn từ nhổ, rửa kiệu và bán cho thương lái đều được diễn ra "rốp rẻng" ngay tại ruộng.
Sáng 5.1, gia đình ông Hoan nhổ được khoảng hơn 200 kg bán cho thương lái. Các công đoạn như làm đất, lên luống, xuống giống... thường gia đình ông thuê người làm phụ nhưng khi nhổ thì huy động người thân trong nhà để giảm bớt chi phí, bán xong kiệu mới có dư chút ít tiêu tết.
Ngoài kiệu lấy củ làm các món ngâm ăn tết, nông dân nơi đây còn một đợt thu hoạch kiệu ăn lá nữa vào dịp cận tết.
Loại kiệu ăn lá thường dùng để làm dưa giá, muối xổi ăn liền nên tập trung thu hoạch vào khoảng ngày 26 - 29 âm lịch. Chất lượng các loại kiệu cũng như nhau, riêng kiệu ăn lá thì nông dân tập trung chăm sóc để phần lá tốt hơn, bán được giá hơn.
Ông Ba Phong (67 tuổi) có thâm niên gần 40 năm trồng củ kiệu cho biết: "Năm nay tôi chỉ trồng khoảng 1.000 mét vuông kiệu ăn lá. Con cái bảo tôi lớn tuổi rồi, không cho làm nhiều. Tuy nhiên, kiệu ăn lá phải tập trung nhổ gấp rút trong 3 ngày cận tết nên cũng mệt lắm".
Ông Ngọc Cưng (50 tuổi) là người làm thuê đang chăm sóc cho đám kiệu ăn lá, cận tết mới thu hoạch. Ông cho biết: "Năm nay củ kiệu không được mùa lắm vì sau khi xuống giống gặp mưa nhiều, bị hư củ, thất thu gần 80% so với năm ngoái.
Năm nay đa số người dân trồng kiệu ở khu vực không được mùa, giá kiệu tết không cao, gần tết còn bị nhổ trộm nên ai cũng lo lắng.
Ông Hoan cho biết, khoảng 20 năm trước, nông dân trồng kiệu nhiều, thương lái mua một lần cả tấn. Bây giờ người trồng thu hẹp diện tích, người mua cũng thưa thớt. "Gần đến lúc thu hoạch, thương lái đi rảo quanh, đám kiệu của nhà nào tốt sẽ được ưu tiên chọn mua trước", ông Hoan nói.
Bình luận (0)