Đang công tác tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam, chị Lê Hoàng Phương là một trong những thành viên tích cực nhất của phong trào dọn rác đang lan tỏa trong giới trẻ hiện nay. “Những ngày đầu tiên, tôi chỉ nhặt rác tại khu dân cư mình sinh sống. Sau đó, tôi thấy nhiều nơi cũng có nhiều rác, nên quyết định cùng 3 người bạn thành lập nhóm đi nhặt rác”, chị Phương kể.
Từ đó đến nay, hầu như thứ 7, chủ nhật nào, chị Phương và các tình nguyện viên cũng đi nhặt rác, chủ yếu ở khu vực quận Cầu Giấy, quận Bắc Từ Liêm, phố đi bộ Hồ Gươm, một số trường đại học, nhà văn hóa Nghĩa Tân…
Một người nhặt rác sẽ bớt đi một người xả rác
Những ngày đầu tiên chị Phương đi nhặt rác, người thân trong gia đình còn cười bảo chị “bị ma làm”. Không chỉ người thân, mà ngay cả những người xung quanh, khi thấy chị và nhóm tình nguyện đi nhặt rác đều thấy… buồn cười.
“Có lần tôi và các bạn tình nguyện viên đang cặm cụi nhặt rác, một bác gái lớn tuổi đến bảo: Nhặt rác như thế này cũng chả có ích gì, mình cứ nhặt rồi có người lại xả thôi!”, chị Phương kể, và cho biết lúc đó chị đã trả lời: “Một người nhặt rác sẽ bớt đi một người xả rác. Mình cứ làm trước đi, rồi mọi người sẽ thấy mọi thứ tốt đẹp hơn. Khi mình làm đúng, mình có thể kêu gọi được người khác, còn nếu từ bỏ thì mọi việc sẽ chẳng có gì thay đổi”.
Có tham gia nhặt rác mới thấy, việc tưởng đơn giản, nhưng lại không đơn giản chút nào. Buổi nhặt rác nào chị Phương cùng với cả nhóm cũng lỉnh kỉnh mang theo các dụng cụ gắp, cùng khoảng hàng chục giỏ rác và bao đựng. Chưa kể, có những hôm nhặt rác xong, với những đồ có thể tái chế, nhiều người lại mang về cặm cụi vệ sinh sạch, rồi gửi đến những hội nhóm cần dùng, hoặc đưa cho người thu mua đồng nát.
Chị Phương kể, khi đi dọn rác, chị thấy nhiều người đã vứt pin và rác điện tử vào gốc cây, trong khi đó, pin là loại rác thải nhiễm độc cho nước và đất rất kinh khủng. Từ quan sát đó, chị và các thành viên trong nhóm quyết định tổ chức thêm hoạt động thu gom rác điện tử tận nhà. Trang mạng xã hội facebook có tên GRAC Tặng đồ, Thu gom pin và Rác điện tử được lập từ ý tưởng đó.
Việc tương tác, tuyên truyền qua facebook của nhóm đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ. Từ đây, những thông điệp về bảo vệ môi trường cũng được lan tỏa. Có tuần, cả nhóm thu được hàng ngàn viên pin và hàng chục ki lô gam rác điện tử.
“Việc thu gom rác điện tử tận nơi tốn nhiều thời gian và công sức hơn, nhưng tôi nghĩ có đến tận nơi thì mình mới có cơ hội nói với mọi người về tác hại của rác điện tử và cách xử lý đúng, tránh gây hại môi trường sống. Nhiều người dân sau khi nghe chia sẻ đã sẵn sàng mang rác điện tử đến tận nơi thu gom”, chị Phương hào hứng cho biết.
Nói với trẻ em về rác
Trò chuyện với chúng tôi, chị Phương cho rằng, cần nói với trẻ em về rác, trong đó có rác điện tử. “Trẻ em là đối tượng dễ nhất để mình tuyên truyền về rác thải và rác điện tử. Các bé chăm chú lắng nghe và nhớ rất lâu, vậy nên, các bé sẽ dần hình thành ý thức về bảo vệ môi trường”, từ quan điểm này, cứ thứ 7 hàng tuần, ở Nhà văn hóa phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), từ 15 giờ 30 - 17 giờ, chị Phương cùng những tình nguyện viên lại hướng dẫn cho các em nhỏ cách nhặt rác.
Chị kể: “Khi thấy chúng tôi nhặt rác, các bé đang chơi gần đó rất hứng thú và xin được tham gia. Có khi chính các bé lại là người rủ thêm được bố mẹ cùng nhặt rác. Sự hứng thú của các bé khiến tôi bất ngờ. Từ đó, vào thứ bảy hàng tuần, lại có một nhóm các em nhỏ tham gia nhặt rác, số lượng cứ vậy tăng lên, mỗi tuần có khoảng 20 bé”.
Ngoài việc nhặt rác, chị Phương cũng lồng ghép thêm kiến thức về môi trường, tái chế rác thải và rác điện tử để nói với các em. “Tôi mong các bé thay đổi thái độ và cách ứng xử với rác, rác cũng có thể tái chế và trở thành tài nguyên, chứ không phải lúc nào cũng là bỏ đi”, chị Phương chia sẻ.
Bình luận (0)