Cụ thể, TAND TP.HCM xử phạt hành chính bà Nguyễn Thị P. (63 tuổi) 7 triệu đồng vì đã có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của thẩm phán, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Bà P. là nguyên đơn trong vụ tranh chấp bức tường với hàng xóm. Vụ kiện được TAND Q.10 thụ lý, song đương sự gây khó khăn cho những người tiến hành tố tụng nên hồ sơ được chuyển lên TAND TP.HCM. "Quá trình tòa giải quyết, đương sự nhiều lần mang băng rôn la lối, lớn tiếng xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thẩm phán và những người tiến hành tố tụng", lãnh đạo TAND TP.HCM cho biết.
Cùng ngày 22.6, TAND Q.1 đã ban hành quyết định xử phạt 1 triệu đồng đối với ông Nguyễn Khắc L. (71 tuổi) vì đã thực hiện các hành vi vi phạm hành chính "dùng những lời lẽ xúc phạm HĐXX, dùng tiếng lóng để chửi bậy, xúc phạm thẩm phán, kiểm sát viên, hội thẩm nhân dân; hỏi, trình bày ý kiến khi chưa được chủ tọa phiên tòa đồng ý, không chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa, mặc dù đã được nhắc nhở nhiều lần, có thái độ không tôn trọng HĐXX".
Theo TAND Q.1, ông L. là nguyên đơn trong vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Quá trình xét xử vụ án, đương sự tự ý hỏi, trình bày ý kiến khi chưa được chủ tọa phiên tòa đồng ý, không chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa, mặc dù đã được nhắc nhở nhiều lần. Sau đó ông L. tiếp tục có lời nói, thái độ không tôn trọng HĐXX.
Cụ ông ở TP.HCM dùng tiếng lóng chửi bậy ở tòa án, bị phạt 1 triệu đồng
Hai trường hợp đầu tiên bị phạt
TAND TP.HCM thông tin đây là 2 trường hợp đầu tiên mà tòa án 2 cấp ở TP.HCM xử phạt hành chính người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người tiến hành tố tụng, xúc phạm sự tôn nghiêm của tòa án. Nếu sau khi bị xử phạt mà còn tái phạm, thì tòa sẽ chuyển hồ sơ vụ việc sang công an đề nghị xử lý theo thủ tục tố tụng hình sự.
ĐƯƠNG SỰ CHỈ CÓ QUYỀN KHIẾU NẠI QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT
Về việc các quyết định xử phạt vi phạm hành chính hành vi cản trở hoạt động tố tụng có bị khiếu kiện hay không, ông Phan Ngọc Khanh, Trưởng phòng Án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật (Viện KSND TP.HCM), cho biết cá nhân, tổ chức không đồng ý với các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng thì cá nhân, tổ chức có quyền khiếu nại theo luật Khiếu nại. "Quyết định, hành vi của tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng sẽ không phải là đối tượng khởi kiện theo điều 30 luật Tố tụng hành chính. Vì vậy, cá nhân, tổ chức bị xử phạt hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng chỉ có quyền khiếu nại, không có quyền khởi kiện", ông Khanh nhấn mạnh.
Một lãnh đạo TAND TP.HCM cũng cho biết nếu cá nhân, tổ chức không đồng ý với quyết định xử phạt hành chính hành vi cản trở hoạt động tố tụng thì cá nhân, tổ chức có quyền khiếu nại lần đầu đến cơ quan, tổ chức đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính liên quan; hoặc khiếu nại lần hai đến thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu. Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính. Theo lãnh đạo TAND TP.HCM, thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày thụ lý. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì không quá 60 ngày kể từ ngày thụ lý.
Theo luật sư (LS) Trương Anh Tú (Đoàn LS TP.Hà Nội), Pháp lệnh 02 năm 2022 quy định hành vi cản trở hoạt động tố tụng là hành vi do cá nhân, tổ chức thực hiện, cản trở hoạt động giải quyết vụ án, vụ việc của công an, tòa án, viện kiểm sát; và một số cơ quan có thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra như cảnh sát biển, kiểm lâm, kiểm ngư, bộ đội biên phòng và hải quan, nhưng không phải là tội phạm thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. "Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân cho hành vi cản trở hoạt động tố tụng đến 40 triệu đồng. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi của tổ chức cản trở hoạt động tố tụng đến 80 triệu đồng. Vì vậy, trước khi xử phạt cá nhân, tổ chức có hành vi cản trở hoạt động tố tụng, người tiến hành tố tụng cũng cần có động thái nhắc nhở người vi phạm, hoặc giải thích rõ hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Nếu bị nhắc nhở nhưng người vi phạm tiếp tục vi phạm thì người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định", LS Tú nhấn mạnh.
PHẠT TÙ CAO NHẤT 3 NĂM NẾU BỊ XỬ LÝ HÌNH SỰ
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên tại một số phiên tòa ở TP.HCM, trước khi mở phiên tòa, thư ký sẽ phổ biến nội quy phiên tòa, trong đó đề cập mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng HĐXX, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa. Người vi phạm nội quy phòng xử án thì tùy từng trường hợp có thể bị chủ tọa phiên tòa buộc rời khỏi phòng xử án, khu vực xét xử, hoặc xử phạt vi phạm hành chính, tạm giữ hành chính theo Pháp lệnh 02 năm 2022 về hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Trường hợp hành vi của người vi phạm nội quy phiên tòa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì HĐXX có quyền khởi tố vụ án hình sự.
LS Hà Hải (Phó chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM) cho hay người nào tại phiên tòa, phiên họp mà thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của thẩm phán, hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác hoặc người tham gia phiên tòa, phiên họp hoặc có hành vi đập phá tài sản, nhưng chưa đến mức độ xử lý tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, thì sẽ bị xử lý về tội "gây rối trật tự phiên tòa, phiên họp", với mức hình phạt cao nhất 3 năm tù. Ngoài ra, theo LS Hà Hải, đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng tại một số cơ quan tố tụng khác như viện kiểm sát, công an…, nếu hành vi vi phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm thì cá nhân liên quan có thể bị xử lý hình sự về tội "chống người thi hành công vụ" theo điều 330 bộ luật Hình sự.
Bình luận (0)