(TNO) Phạm Thị Tuyết là thủ khoa khối B, ngành bác sĩ đa khoa của Đại học Y dược Thái Nguyên với điểm số lần lượt là: toán 8 điểm, hóa 8,75 điểm và sinh học 10 điểm.
Phạm Thị Tuyết (ngoài cùng bên phải) bên cạnh bạn bè Trường THPT Hiệp Hòa số 1, Bắc Giang
|
Luôn đặt câu hỏi tại sao cho những gì chưa hiểu
Với môn sinh đạt điểm tuyệt đối trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2014, nhiều người nghĩ chắc hẳn cô bạn này phải đầu tư nhiều cho môn học “tủ” và duy trì điểm trung bình môn cao ngất ngưởng. Sự thật, năm lớp 10, môn sinh của Tuyết chỉ đạt 7,1, một con số khá khiêm tốn. Tuy nhiên, đến năm lớp 12, Tuyết vượt lên dẫn đầu cả lớp với điểm trung bình môn sinh đạt 9,1. Đồng thời, giật thêm một giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh Bắc Giang.
Nói về phương pháp học môn sinh, Tuyết cho biết: “Em nghĩ muốn học tốt thì lúc nào cũng phải đặt câu hỏi tại sao cho những gì mình chưa hiểu. Và làm bài tập sai thì phải tìm ra lỗi sai đó”.
Trong quá trình làm bài thi, Tuyết cũng không nghĩ rằng mình sẽ đạt điểm tuyệt đối. Nguyên tắc “bất di bất dịch” của cô bạn là câu nào dễ làm trước, câu nào khó làm sau.
Trước đó, Tuyết dành nhiều thời gian để ôn lại bài tập, làm các đề thi tổng hợp, thi thử ở nhà sau khi cô giáo cho làm các dạng bài trên lớp. Với lý thuyết, kinh nghiệm của Tuyết là những câu không chắc thì có thể suy luận. Nhưng bài tập thì chắc chắn phải luyện nhiều ở nhà để không bị bỡ ngỡ và bỏ phí trong ngày thi.
Giữ vững tinh thần
Tinh thần ổn định với Tuyết là một điều vô cùng quan trọng trong bất kỳ cuộc thi nào. Có lẽ chính vì suy nghĩ này mà môn sinh của em đạt điểm cao hơn so với hai môn còn lại.
Tuyết cho biết: “Môn sinh không quá khó nhưng cũng không quá dễ. Bài tập cũng khó, nhưng so với môn hóa thì còn kém xa. Về lý thuyết thì nhiều vô cùng, nhưng nếu chăm chỉ đọc sách và làm nhiều dạng đề thì cũng sẽ phát hiện ra có rất nhiều câu hỏi hay và thú vị”.
Chính vì khối lượng lý thuyết của môn học này nhiều nên tâm lý thí sinh tỏ ra... ngại đọc. “Nên chịu khó đọc thêm sách và tự rèn luyện cho mình sự tò mò qua mỗi vấn đề thì chắc chắn sẽ hiểu kỹ vấn đề và làm bài tốt hơn”, Tuyết nói.
Kỳ thi THPT quốc gia đang đến rất gần, Tuyết mong muốn các bạn nên biết giữ sức khỏe và chuẩn bị một tinh thần vững vàng để tự tin bước vào kỳ thi. Thủ khoa khối B của Đại học Y dược Thái Nguyên năm 2014 cũng nhấn mạnh các sĩ tử nên biết phân phối thời gian ôn tập cho từng môn học; đồng thời áp dụng những quy tắc khoa học, hợp lý trong quá trình làm bài để tránh ảnh hưởng đến tâm lý chung trong suốt thời gian làm bài thi.
Bình luận (0)