Săn được một suất học bổng quốc tế không hề đơn giản nhưng cũng không quá khó như nhiều người nghĩ.
Sinh viên tham gia phỏng vấn chương trình học bổng Cộng đồng cựu du học sinh quốc tế (IAN) - Ảnh: Lê Thanh
|
Các bạn trẻ từng nhận được học bổng giá trị trên thế giới đã chia sẻ một số thông tin cần thiết cho những ai đang có ý định tìm cơ hội du học bằng con đường học bổng.
Đánh giá đúng khả năng của mình
Theo Hà Ngọc Anh, cựu du học sinh của Trường ĐH Monash (Úc), bạn phải tự xác định khả năng của mình thông qua tiêu chí của các trường cấp học bổng để tìm một suất học bổng phù hợp.
Huỳnh Hoa Thủy Tiên, tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhận được học bổng trao đổi sinh viên (SV) của Hàn Quốc ngay từ năm 2 đại học. “Ngoài việc chú tâm học tập thật giỏi, trau dồi ngoại ngữ tốt, các bạn cũng nên chú trọng các hoạt động ngoại khóa. Bên cạnh mục đích thu thập kỹ năng sống, bạn còn có thể mở rộng quan hệ tốt với các phòng ban, tổ chức ở trường, gây ấn tượng với thầy cô để trở thành ứng viên đầu tiên mà khi có cơ hội mọi người sẽ nghĩ ngay tới bạn”, Tiên chia sẻ.
Tương tự, Nguyễn Diễm Lê, SV Trường ĐH Ngoại thương (Hà Nội), từng nhận những học bổng giá trị như Global Undergraduate Exchange Program (do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ), Saxion Talent Scholarship (STS) của Trường ĐH Saxion Hà Lan, hiện theo học tại Trường ĐH Nazareth, Rochester (Mỹ), cho biết thông thường SV tìm kiếm từ khóa “Scholarships for international students” trên Google sẽ có hàng ngàn kết quả. Nhưng để tiếp cận được những suất học bổng phù hợp với nhu cầu và khả năng của mình, đòi hỏi mỗi SV phải có khả năng chọn lọc thông tin rất cao. “Không nên tham gia nộp đơn cho tất cả các học bổng mà nên tìm hiểu những chương trình thích hợp với khả năng của mình nhất”, Diễm Lê khuyên.
Phải có dấu ấn riêng trong hồ sơ
Theo Ngọc Anh, các bước chuẩn bị và nộp hồ sơ rất quan trọng, nó khẳng định thành quả công việc của ứng viên. “Theo tôi, từ lúc chuẩn bị hồ sơ đến khi lên đường du học thông thường là 2 năm vì còn phải thi một số chứng chỉ cần thiết như TOEFL, GRE... và chuyên môn. Các trường nước ngoài thường nhận SV quốc tế vào tháng 9 hằng năm. Nếu bạn xin học tháng 9 năm nay thì tháng 12 năm trước hoặc tháng 1 là hết hạn nộp hồ sơ, do đó chuẩn bị từ tháng 9 năm trước là hợp lý”, Ngọc Anh nói.
Lê Bình Huy, cựu du học sinh nhận học bổng toàn phần của Trường ĐH Nottingham (Anh), cho biết: “Các bạn có ý định xin học bổng quốc tế chú ý thể hiện hết những gì đặc biệt của bản thân bởi chính sự độc đáo ấy sẽ khiến nhà tuyển sinh chú ý đến bạn. Đừng do dự cho họ biết bạn có những tài lẻ. Nếu bạn có khả năng chơi được những loại hình nghệ thuật như đàn, trống hay ca hát thì hãy gửi những đoạn phim kèm theo hồ sơ cá nhân xin học bổng cho họ. Bởi đôi khi nhà tuyển sinh không ấn tượng với điểm số trong hồ sơ nhưng họ sẵn sàng mở cửa chào đón bạn vì bạn có những điểm riêng khác biệt mà những người khác không có”.
Trần Bá Quốc, nhận học bổng tiến sĩ toàn phần ngành kỹ sư môi trường tại Trường ĐH Naresuan do chính phủ Thái Lan tài trợ, chia sẻ: “Mỗi học bổng khác nhau yêu cầu hồ sơ khác nhau, nhưng thông thường có các nội dung sau: thông tin cá nhân, kinh nghiệm học thuật, viết bài luận, thư giới thiệu, giấy tờ bằng cấp, bảng điểm... Nếu nộp cho học bổng tiến sĩ thì cần thêm đề tài nghiên cứu. Phần này và bài luận là tốn nhiều thời gian nhất, được bổ sung liên tục chứ không thể viết hay ngay được”, Quốc nói.
Hoàng Thị Minh Trang, từng nhận cùng lúc nhiều học bổng tại Úc và Anh, nêu thực tế: “Hầu hết các trường đại học quốc tế đều coi trọng những tiêu chí như: kết quả học tập xuất sắc ở bậc đại học, kinh nghiệm, các hoạt động ngoại khóa và mục tiêu khi tham gia khóa học... Vì thế, khi viết đơn xin học bổng cần phải nhấn mạnh mình đã tìm hiểu kỹ về lĩnh vực mình muốn xin học, có đầy đủ khả năng theo học và đặc biệt, hãy nhấn mạnh rằng mình sẽ nỗ lực hết sức để trở thành SV xuất sắc nhất”.
Chia sẻ kinh nghiệm làm thế nào để có một bài luận ấn tượng, Nguyễn Minh Thành, du học sinh tại Na Uy, cho biết: “Nên chọn một chủ đề có ý nghĩa, sau đó viết bằng lời văn của mình, tự mình viết bài luận chứ không sao chép. Bài luận không nên viết quá số từ quy định, chú ý lỗi chính tả, phải viết rõ ràng, rành mạch, đúng cú pháp và dễ hiểu, mạch lạc. Một bài luận cần nêu được những vấn đề chính như: nội dung theo học, vì sao lựa chọn học bổng này, chương trình sẽ đem lại những lợi ích gì cho cá nhân, đất nước và cộng đồng quốc tế. Những ưu điểm và tố chất sẵn có để có thể hoàn thành khóa học và phát huy những điều sẽ được học...”.
Bình Huy lưu ý ở phần phỏng vấn xin học bổng:
“Đó là phải giữ tâm lý thoải mái và phải biết cách gợi chuyện. Tâm lý thoải mái, thái độ tự tin sẽ khiến người phỏng vấn cảm thấy gần gũi và hứng thú, nói chuyện với bạn tự nhiên. Việc bạn kéo dài cuộc nói chuyện và chủ động để người hỏi không cảm thấy nhàm chán cũng là một kỹ năng cần thiết”.
Bình luận (0)