Với nền tảng của môn cầu mây cùng sự đầu tư kỹ càng, đội tuyển teqball Thái Lan thống trị giải teqball vô địch thế giới 2024 trong sự nể phục từ các đối thủ mạnh đến từ Hungary, Brazil, Ba Lan, Romania... Trong khi đó, đội tuyển teqball Việt Nam còn non trẻ nên chủ yếu tham dự giải nhằm thử sức, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm.
Apor Gyorgydeak của Romania là cầu thủ giành được tấm HCV nội dung đơn nam trong khi Hungary, nơi sản sinh ra môn thể thao teqball, không có được tấm HCV nào. Đội tuyển teqball Thái Lan tạo cú sốc khi đoạt đến 4 HCV ở các nội dung gồm đơn nữ (Jutatip Kuntatong), đôi nữ (Kuntatong/Suphawadi Wongkhamchan), đôi nam (Jirati Chanliang/Sorrasak Thaosiri) và đôi nam nữ (Wongkhamchan/Dejaroen).
HLV đội tuyển teqball Việt Nam Lê Quang Khang cho biết thành công của đội tuyển teqball Thái Lan nhờ sử dụng kỹ thuật của cầu mây. Những pha xử lý khéo léo, đặc biệt kỹ thuật tung người móc bóng dứt điểm của cầu mây khi áp dụng vào môn teqball rất hiệu quả. Đa phần đội tuyển teqball Thái Lan từ cầu mây chuyển sang.
Thái Lan cũng là chủ nhà SEA Games 33 năm 2025 đã đưa teqball vào lịch trình thi đấu chính thức. Với những gì thể hiện ở giải vô địch thế giới lần này tại TP.HCM, đội tuyển teqball Thái Lan sẽ không có đối thủ tại SEA Games tới. Đội tuyển teqball Việt Nam có thể học hỏi từ thành công của Thái Lan bởi chúng ta cũng có phong trào cầu mây mạnh, từng giành HCV ASIAD.
Sau khi đăng cai tổ chức thành công giải teqball vô địch thế giới, Liên đoàn Teqball quốc tế (FITEQ) quyết định tặng TP.HCM 1.000 bàn teqball cùng gói đào tạo trị giá 5 triệu euro. Đây là cơ hội để TP.HCM nói riêng, Việt Nam nói chung phát triển môn thể thao có lịch sử ra đời mới 10 năm nhưng hấp dẫn và có sức hút với người hâm mộ.
Bình luận (0)