Bình quân mỗi hộ dân ở khối Thuận Nghĩa (TT.Phú Phong, H.Tây Sơn, Bình Định) thu lãi từ 40 - 50 triệu đồng/năm nhờ trồng rau sạch.
Ông Nguyễn Quốc Thành tưới nước cho vườn rau của mình - Ảnh: Hoàng Trọng |
Đến làng rau Thuận Nghĩa, nhiều người sẽ ngỡ ngàng vì vẻ đẹp của bức tranh nông thôn bình yên, hiền hòa. Đi theo những con đường bê tông, đâu cũng thấy những ngôi nhà xây nằm gọn ghẽ giữa vườn rau xanh ngắt. Theo người dân, đất canh tác ở Thuận Nghĩa là phù sa màu mỡ và nghề trồng rau đã có ở đây từ khi người Việt đến khai hoang lập làng. Nhiều thế hệ sau cứ vậy mà giữ lấy nghề của cha ông. Tuy nhiên, việc làm giàu từ nghề trồng rau thì chỉ mới bắt đầu từ hơn chục năm nay, khi người dân Thuận Nghĩa đa dạng hóa các loại rau trồng và trồng theo mô hình rau sạch.
Gia đình ông Nguyễn Điền (53 tuổi, ở khối Thuận Nghĩa) có 5 sào đất (2.500 m2) đất màu trồng rau và đậu. Vợ chồng ông luân phiên trồng rau cải, ngò tây, khổ qua, đậu tây, dưa leo, đậu phộng... Giá cả rau phụ thuộc vào thị trường, năm được năm mất nhưng bình quân vợ chồng ông thu được khoảng 15 triệu đồng/sào đất canh tác mỗi năm.
“Nghề trồng rau sạch tuy vất vả, bắt sâu, tưới nước, làm cỏ... ngoài vườn suốt ngày nhưng thu nhập khá nên sống khỏe. Từ nhiều năm nay, người dân ở Thuận Nghĩa đâu phải bỏ quê vào thành phố làm thuê như các làng khác, cứ bám đất ở làng mà trồng rau kiếm sống. Nhà nào có đông lao động, ít đất thì thuê thêm đất mà trồng”, ông Điền tâm sự.
Hơn 1 năm nay, ông Nguyễn Quốc Thành (40 tuổi, ở khối Thuận Nghĩa) chuyển 3 sào đất của gia đình sang trồng rau VietGAP. Mỗi năm ông Thành trồng 8 - 9 vụ cải, hành... thu nhập năm nào cũng từ 40 - 50 triệu đồng. “Trồng rau VietGAP không quá khó nhưng giá thành cao hơn, đầu ra luôn có sẵn. Nếu như giá cải cúc trồng theo truyền thống chỉ 3.500 đồng/bó thì rau VietGAP bán được 4.000 đồng/bó. Từ năm ngoái đến nay, giá rau tăng cao, thương lái đến tận làng tìm mua rau nên người dân càng có lãi. Nhất là trong dịp tết vừa qua, cả làng không còn rau mà bán cho thương lái”, ông Thành nói.
Theo ông Quách Văn Cầu, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Thuận Nghĩa, tại khối Thuận Nghĩa có hơn 400 hộ dân thì có đến 366 hộ dân sống bằng nghề trồng rau, thu nhập bình quân mỗi hộ gần 50 triệu đồng/năm. Hiện với diện tích canh tác khoảng 36 ha, mỗi ngày người dân Thuận Nghĩa xuất bán 5 - 10 tấn rau sạch ra thị trường. Từ năm 2010, người dân ở đây bắt đầu trồng rau theo phương thức VietGAP với 65 hộ dân tham gia. HTX nông nghiệp Thuận Nghĩa có cơ sở sơ chế nên các loại rau trồng theo mô hình VietGAP trong làng được bao tiêu.
“Người dân Thuận Nghĩa trồng rau sạch và luôn có ý thức bảo vệ xây dựng thương hiệu rau Thuận Nghĩa nên chất lượng rau đảm bảo, sản phẩm làm ra được các thương lái, Co.opmart Quy Nhơn và cho HTX nông nghiệp Thuận Nghĩa thu mua với số lượng ổn định. Vợ chồng tôi có 1 sào đất, thuê thêm 3 sào nữa để trồng rau, mỗi năm lãi ròng hơn 50 triệu đồng. Nhờ vậy, chúng tôi nuôi gia đình, nuôi 1 đứa con học đại học tại TP.HCM và một đứa đang học lớp 7 khỏe re”, ông Cầu nói.
Bình luận (0)