Cũng như các hộ gia đình khác sinh sống trên xã đảo Hòn Nghệ, trước đây gia đình ông Nguyễn Minh Được sống bằng nghề đánh bắt hải sản. Thời điểm năm 2007, khi các phương tiện đánh bắt ngày càng tăng lên nhưng nguồn lợi hải sản tự nhiên lại dần khan hiếm, ông Được quyết định bán 2 chiếc ghe cào chuyển sang nuôi cá lồng bè.
Thời gian đầu, do chưa nắm bắt được kỹ thuật nuôi nên hiệu quả mang lại không cao. Song, nhờ vào giống cá nuôi chủ yếu do người dân khai thác tự nhiên trên biển, cộng với nguồn thức ăn dồi dào, nên trong những lần đầu nuôi thử nghiệm ông vẫn có lời. Từ đó giúp ông có thêm kinh nghiệm và động lực tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích nuôi. Đến nay, ông Được có 25 lồng nuôi các loại cá bớp, mú đen, mú trân châu...
Ông Được cho biết cá lồng bè thường có thời gian nuôi dài, từ 8 - 10 tháng đối với cá bớp và 10 - 12 tháng đối với cá mú, trân châu. Muốn cá không bị hao hụt, phát triển tốt, đạt hiệu quả cao, ngoài việc lựa chọn con giống khỏe mạnh, người nuôi cần để ý chăm sóc cá khi vừa mang về thả nuôi. Bởi trong giai đoạn này cá còn nhỏ, rất mẫn cảm với môi trường mới. “Hiện gia đình tôi có 25 lồng nuôi cá, mỗi năm thả nuôi hàng trăm ngàn con giống các loại. Sau khi trừ chi phí đầu tư, cộng với nguồn thu từ mua bán cá giống, cung cấp cho người dân trên xã đảo, mỗi năm tôi thu lợi nhuận từ 500 - 700 triệu đồng”, ông Được chia sẻ.
Theo ông Được, tuy nghề nuôi cá lồng bè mang lại thu nhập khá cao cho người nuôi, nhưng những năm gần đây tình trạng cá nuôi bị chết hàng loạt vẫn xảy ra. Thậm chí, có những hộ gia đình phải lâm cảnh nợ nần khi bè nuôi cá bị chết hàng loạt. Ngoài ra, người nuôi còn phụ thuộc nhiều về giá cả đầu ra hay điều kiện thời tiết, nguồn nước không thuận lợi cũng làm ảnh hưởng rất nhiều đến nghề nuôi cá nơi đây. “Thời điểm cá hao hụt nhiều nhất là khoảng cuối năm, từ tháng 11 đến tháng 2 âm lịch. Cá chết đủ loại, nhiều hộ thả nuôi đến 2 - 3 đợt cá vẫn chết nên gặp rất nhiều khó khăn”, ông Được nói.
Ông Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòn Nghệ, cho biết nghề nuôi cá lồng bè hiện là ngành kinh tế chủ lực của xã đảo và đang phát triển mạnh. Nếu như khoảng năm 2010, toàn xã chỉ có trên 100 lồng nuôi thì đến nay đã lên đến 1.200 lồng với hơn 100 hộ nuôi. Sản lượng thu hoạch trong 5 năm gần đây đạt hơn 1.700 tấn, đóng góp rất lớn vào nguồn thu ngân sách của địa phương. Trong đó, gia đình ông Được là một trong những điển hình nuôi cá có hiệu quả trên địa bàn xã đảo. Ngoài thu nhập từ nuôi cá, ông Được còn cung ứng cá giống cho bà con xã đảo nên mang lại thu nhập cao.
Bình luận (0)