Cho chồn nghe nhạc trữ tình, nhạc thiền
Thăm trang trại nuôi chồn hương của ông Tuấn vào buổi sáng, chúng tôi bất ngờ vì hàng trăm con nằm im trong chuồng, vừa ngủ vừa nghe nhạc trữ tình, nhạc thiền.
Lý giải về 'độc chiêu' này, ông Tuấn cho biết, trại nuôi nằm ven đường lộ, nhiều xe cộ qua lại gây nên tiếng ồn dễ làm cho chồn hoảng sợ. Từ đó, ông nghĩ ra cách cho chồn nghe nhạc trữ tình và nhạc thiền để chồn giảm bản chất hoang dã, hung dữ.
"Đặc biệt, đối với chồn mẹ đang trong giai đoạn nuôi con, nếu có nhiều tiếng ồn chúng rất dễ căng thẳng, lo âu, tha con đem giấu làm trầy xước, nhiễm trùng khiến con chậm lớn. Cho chồn nghe nhạc sẽ khắc phục được tình trạng này", ông Tuấn nói thêm.
Hằng ngày, ông Tuấn mở loa cho chồn nghe nhạc từ 6 giờ sáng 9 giờ đêm. Sau thời gian nghe nhạc, chồn quen với tiếng nhạc, tiếng động nên dạn người, ngủ sâu và phát triển tốt.
"Chồn là loài ăn đêm, ngủ ngày nên ban ngày chúng rất cần không gian yên tĩnh để ngủ. Với cách này, tôi chỉ tốn tiền mua loa, sau đó chép nhạc vào thẻ nhớ rồi mở cho chúng nghe mỗi ngày. Nhạc trữ tình giúp chồn ngủ sâu, quên tiếng ồn, tạp âm lộn xộn ngoài đường. Còn nhạc thiền giúp chồn tĩnh tâm, giảm bớt tính hoang dã, hung dữ", ông Tuấn tiết lộ.
Hiệu quả bất ngờ
Ông Tuấn kể, trong thời gian làm công chức nhà nước, ông mua 3 con chồn hương về nuôi cho vui, giải tỏa căng thẳng sau giờ làm việc. Quá trình nuôi, thấy chồn sinh sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên ông mạnh dạn đầu tư nuôi loài động vật hoang dã này.
Năm 2019, ông Tuấn quyết định nghỉ việc. Tận dụng diện tích nhà còn trống, ông xây dựng chuồng trại, xin cấp giấy chứng nhận nuôi động vật hoang dã. Sau đó, ông mua 60 con chồn cái từ trại ở Bình Dương về nhân đàn. Nhờ chịu khó học hỏi, ông nhân đàn thành công và duy trì số lượng chồn tại trại gần 200 con bố, mẹ, hậu bị.
Để chăn nuôi đạt hiệu quả, ông xây dựng trại trên diện tích 300m2, chia làm 4 khu nuôi dành cho chồn sinh sản, chồn hậu bị và chồn con. Đặc biệt, khu nuôi chồn sinh sản đầu tư hệ thống lồng nuôi hiện đại, quây lưới sắt, hệ thống dẫn nước uống trực tiếp đến từng chuồng. Chất thải của chồn được xịt rửa mỗi ngày và dẫn trực tiếp xuống hầm biogas để giảm thiểu tối đa mùi hôi thối…
Đặc tính của chồn hoang dã, ăn tạp nên dễ nuôi, ít bị bệnh, ít tốn công chăm sóc. Thức ăn chủ yếu là chuối, mít, cá da trơn, đầu chuột… nên mỗi con chồn chỉ tốn khoảng 2.000 - 3.000 đồng thức ăn mỗi ngày. "Chồn thích ăn chuối, nhưng chuối chín độ ngọt nhiều, ăn nhiều sẽ chuyển hóa thành đường làm chồn bị béo phì. Vậy nên, chồn từ 6 tháng trở đi, tôi chủ yếu cho ăn cá sống, đầu chuột qua sơ chế", anh Tuấn cho biết.
Chồn nuôi khoảng 9 tháng có thể sinh sản. Tuy nhiên, ông Tuấn thường bỏ 3 lần chồn lên giống để khả năng sinh sản đạt kết quả tốt hơn. Mỗi năm, chồn đẻ 3 lứa, mỗi lứa 2 - 5 con.
Mỗi năm, ông Tuấn xuất bán hàng trăm con chồn giống với giá 10 triệu đồng/cặp (đực 4 triệu, cái 6 triệu đồng/con). Nhờ đó, ông có thu nhập hơn 1 tỉ đồng/năm.
"Nuôi chồn hương chi phí thấp. Chúng vừa ăn ít lại ăn được thức ăn mà người dân dễ tìm kiếm. Nếu nhà nào có vườn, gần mương hay kênh, rạch đều có thể tự trồng chuối và đánh bắt cá tạp cho chồn ăn mà hoàn toàn không tốn một chi phí nào", ông Tuấn chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Phương Lan, Phó trưởng Trạm khuyến nông Q.Bình Thủy, nhận xét mô hình nuôi chồn hương của ông Tuấn cho hiệu quả kinh tế cao. Từ việc xây dựng chuồng trại bài bản, cách nuôi giúp chồn phát triển tốt. Đây là mô hình có thể nhân rộng để người dân chuyển đổi phát triển kinh tế.
Bình luận (0)