Nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi biết rằng, ở vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” Quảng Trị lại có những ông bà cụ cao tuổi nhất hiện nay ở VN.
Cụ Trương Triêm vẫn khỏe mạnh ở tuổi 104 - Ảnh: Gia đình cung cấp
|
Cụ ông Trương Triêm (104 tuổi) và cụ bà Trần Thị Cháu (106 tuổi, trú KP.2, P.An Đôn, TX.Quảng Trị, Quảng Trị) được coi là cặp đôi trường thọ nhất VN hiện nay. Hai cụ có 7 người con, 21 người cháu, 19 chắt.
Thích làm việc chân tay
Tìm đến ngôi nhà nhỏ bên sông với mảnh vườn đầy hoa lá mới biết cuộc sống của hai cụ thật đạm bạc. Ông Trương Ngọc Hiệp (60 tuổi, người con thứ 3) đúc kết rằng sự cực khổ đã ăn vào máu thịt của hai cụ nên dẫu có được sống sung sướng thì hai cụ cũng không thích, vì “nó lạ lẫm lắm”. Cũng phải thôi, bởi thuở thiếu thời cụ Triêm vốn ngồi trên lưng trâu nhiều hơn... xuống đất. Cụ sinh ra ở vùng rừng núi Ba Quạt thâm u, vắng bóng con người, chủ yếu làm bạn với bò dê. Còn cụ Cháu, vốn là thôn nữ ở làng Thượng Trạch (xã Triệu Sơn, H.Triệu Phong), xưa nay chỉ biết việc đồng áng.
Cũng sinh ra từ làng, nhưng cụ Trần Đình Thăng (105 tuổi) và em ruột là cụ Trần Đình Liên (103 tuổi, thôn Đông Luật, xã Vĩnh Thái, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) đã có thời tham gia vận chuyển hàng, vũ khí ra đảo Cồn Cỏ, tiếp sức cho bộ đội những năm 1955 - 1968. Khi đất nước hòa bình, hai cụ trở thành ngư dân, ngày ngày ra khơi đánh bắt nuôi sống gia đình. Giờ đây, đã qua tuổi “cổ lai hy” nhưng hai cụ vẫn thích làm những việc chân tay như ngày cũ ở miền biển nghèo khó. Cụ Thăng vẫn muốn tự xắn tay vào bếp nấu nướng, trong khi cụ Liên lại “khoái” đan lát.
Hai cụ Trần Đình Thăng (trái) và Trần Đình Liên trong lễ thượng thọ của chính mình - Ảnh: Gia đình cung cấp
|
Thậm chí, cụ Thăng yêu cái “nghèo kỷ niệm” của mình đến nỗi không cho con cháu phá bỏ ngôi nhà tranh thấp lè tè được dựng lên từ hàng chục năm trước. “Đó là báu vật thời gian của chúng tôi. Ngôi nhà là biểu chứng cho một thuở cơ hàn, nhưng đó cũng là nơi anh em tôi lớn lên, là bóng mát để chúng tôi sống đến tận giờ này”, cụ Thăng nói rất minh mẫn.
|
Không giận hờn chi ai...
Chúng tôi cố tìm cách lý giải về sự trường thọ của các cụ, và nhận ra rằng có lẽ chính tình yêu là “thần dược” để cụ Triêm và cụ Cháu cầm tay nhau đi qua một thế kỷ. Con cháu các cụ kể rằng mỗi lần con cháu về đông, cho tiền là cụ ông lại lựa những tờ tiền to để cho cụ bà. Hay ăn cái chi ngon, cụ ông đều nhường cụ bà ăn trước.
Còn cụ Thăng và cụ Liên thì cho rằng tình thân chính là điều cốt lõi để họ sống đến ngày hôm nay. Cụ Thăng kể ba anh em cụ từ nhỏ đã sống trong cảnh “nhà mất nóc” nhưng với sự yêu thương của mẹ, gia đình vẫn ấm êm. “Chúng tôi lớn lên mà không có tiếng mắng mỏ, nặng nhẹ. Để rồi, anh em nhường nhịn nhau và mọi khó khăn bỗng qua đi lẹ làng”, cụ Thăng nói.
Có một sự tương đồng của hai cặp đôi trường thọ là quan điểm sống. Họ từng tự răn mình và bây giờ vẫn đang răn dạy cháu con bằng những điều giản dị như “Ở có đức, mặc sức mà ăn”, “Sống sao cho thâm tâm an lạc”... Rằng sống ở đời thì hãy cứ thoải mái, vui tươi, đừng tính toán thiệt hơn với người dưng, đừng mong đền ơn khi ban ơn cho kẻ khác. Với cụ Liên, bí quyết sống lâu của cụ có lẽ là suốt đời luôn nhẫn nhịn để sống mà không giận hờn chi ai...
Bình luận (0)