Bí quyết trở thành đồng nghiệp được yêu thích

02/10/2018 15:49 GMT+7

“Nhập gia tùy tục”, chủ động tìm hiểu các nguyên tắc ở văn phòng, không đem chuyện buồn bực từ nhà đến nơi làm việc, chủ động giúp đỡ mọi người…. những quy tắc đơn giản để trở thành đồng nghiệp được yêu thích nơi công sở.

Sếp yêu cầu 100%, cố gắng thực hiện 120%
Đổi 3 công ty nhưng Đặng Hải Triều, nhân viên marketing của một  công ty dịch vụ tại Q. 1 (TP.HCM) luôn được mọi người quý mến. Bí quyết của Triều khá đơn giản. “Mỗi thời điểm, mình phải có ứng xử phù hợp. Ngày mới ra trường,chưa có kinh nghiệm, chưa quen ai, mình luôn nỗ lực, chăm chỉ và thể hiện thái độ trung thực khi làm việc. Nếu sếp yêu cầu công việc ở mức 100%, mình sẽ cố gắng làm được mức 120%. Đặc biệt, trong văn phòng có các chị nữ, thì khi có công việc nặng nhọc như bưng bình nước, bưng giấy photo, mình nên chủ động làm giúp các chị”.
Hải Triều cũng chia sẻ thêm: “Khi chuyển sang các công việc khác, mình vẫn luôn giữ vững tinh thần nỗ lực làm việc hết sức. Đồng thời, do có khiếu hài hước, cũng đi làm quen rồi, mình cũng hay chọc cười mọi người. Nên nhớ, hài hước nhưng đừng lố trở thành vô duyên”.
Đừng mang "đôi dép" ở nhà đến công sở
Không nên đem chuyện nhà đến văn phòng cũng là yếu tố khiến bản thân nhân viên đẹp trong mắt đồng nghiệp. Trong  buổi hội thảo Văn hóa công sở từ góc nhìn lãnh đạo doanh nghiệp vào ngày 13.9 tại TP.HCM, chị Nguyễn Lê Anh, chuyện gia huấn luyện doanh nghiệp từ công ty Action Coach, chia sẻ: “Chúng ta đừng mang “đôi dép” ở nhà  đến công sở. Hãy rũ bỏ để mang những đôi giày đẹp trước khi ra khỏi nhà. Nghĩa là các bạn đừng đem những chuyện gia đình, bên ngoài ảnh hưởng đến cảm xúc khi đến công sở”. 

Anh Lý Quang Thắng, trưởng phòng đối tác nhân sự công ty Giao hàng nhanh, chia sẻ từ góc nhìn của người làm về nhân sự.  “Với một nhân viên mới, có nhiều cách tiếp cận, nhưng trước hết phải "nhập gia tuỳ tục". Ngay cả một vị trí quản lý thì vừa vô công việc  cũng phải tìm hiểu văn hoá tổ chức, văn hoá bộ phận trước khi "bày binh bố trận" các chiêu thức của mình. Nhân viên vừa mới vô làm thì nên quan sát, có thể đi ăn trưa cùng các anh chị để dò hỏi trước, hoặc đi ăn trưa riêng với một  ai đó trong nhóm, tìm hiểu”, anh Thắng nói
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm cho những người mới đi làm, anh Lý Quang Thắng cho biết : "Đối với công việc, đầu tiên khoan ngại khó. Ở lại trễ một chút, cơ bản không phải ở lại trễ là hiệu quả, tuy nhiên người ta sẽ đánh giá cao tinh thần  ham học hỏi,  từ đó người ta mới mở lòng để chịu chỉ dẫn mình hơn rồi sẽ tin tưởng giao thêm công việc cho mình trải nghiệm. Tích cực tham gia hoạt động đội nhóm trong công ty để kết nối với mọi người"
 
Là chính mình nhưng tôn trọng nguyên tắc chung
Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trưởng phòng marketing tại Resort 5 sao, cho biết: “Nên giữ thái độ trung lập khi tham gia vào một đội. Nhóm càng đông người càng dễ xảy ra các mâu thuẫn, người khéo quá cũng bị ghét, người vụn vặt cũng bị ghét. Muốn ổn định lâu dài trong một văn phòng, tốt nhất nên dĩ hòa vi quý, trung lập, không chạy theo đám đông. Luôn cân bằng giữa đồng nghiệp, không quá thân, không nói về mình quá nhiều và luôn giữ bình tĩnh trong mọi tình huống”.
Chị Thúy Hằng cũng chia sẻ thêm: “Dưới vai trò trưởng phòng, phía dưới có nhiều nhân viên, khi phòng có người mới, tôi luôn “bỏ nhỏ” trước với cả đội về đồng nghiệp mới. Cũng yêu cầu không nói xấu ai ở văn phòng. Mọi người hỗ trợ nhau trong công việc, không để cảm xúc cá nhân xen vào tập thể. Nhờ vậy mọi người trong nhóm cũng đoàn kết. Với những bạn nhân viên mới, cũng đừng vội vã muốn hòa nhập vào công ty mà a dua, không cần nịnh hay thảo mai. Cứ là chính mình, sống đúng tính cách của mình, nhưng tôn trọng các nguyên tắc chung. Những ngày đầu, người ta sẽ đánh giá khả năng của mỗi người qua cách ứng xử”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.