Bí quyết trở thành thủ khoa

Cố gắng giữ cho tinh thần thoải mái, sức khỏe ổn định, dành thời gian thư giãn để đọc sách, trò chuyện với bạn bè để khuây khỏa đầu óc... Đó là bí quyết chung mà các thủ khoa vận dụng để giảm căng thẳng học hành.

 

Phải tìm ra lỗi sai để không mắc sai lầm nữa

Với 29,8 điểm (toán 9,8, hóa 10 và sinh 10), Lê Kim Khôi, học sinh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (Đồng Nai) đã trở thành 1 trong 4 thủ khoa khối B của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Khôi cho biết trong 3 môn, em khá tự tin vào môn hóa do xuất thân từ lớp chuyên hóa. Khi ra khỏi phòng thi, Khôi đã có thể dự đoán điểm của mình, thêm việc dò đáp án của Bộ GD-ĐT ngày hôm sau nên anh chàng không quá bất ngờ khi được công bố điểm.
Bí quyết trở thành thủ khoa

Lê Kim Khôi

Nói về quá trình học tập của mình, ngay khi kết thúc năm học lớp 11, Khôi đã bắt đầu dốc sức học chương trình 12 nhanh nhất có thể. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, phải trì hoãn thời gian học tập trên trường, nên thời gian ôn tập của Khoa khá nhiều, đặc biệt là ôn tập những bài nâng cao. Để có kết quả như hôm nay đó là một phần nhờ việc nắm chắc kiến thức sách giáo khoa, chịu khó lên mạng tìm tòi, học hỏi từ nhiều nguồn uy tín.
Khôi chia sẻ: “Khi bắt đầu luyện đề, em quan niệm không chạy theo số lượng mà phải chú trọng tới chất lượng. Mình giải xong, có lỗi sai phải cố gắng tìm ra chỗ sai mà sửa để những đề sau không mắc sai lầm nữa, có như vậy khi đi thi kiến thức mới chắc chắn được”.
Để đạt điểm cao, Khôi cho rằng ngay từ lúc học tập trên lớp phải luôn tập trung nghe thầy cô giảng, cố gắng ghi nhớ kiến thức ngay ở trên lớp và phải hiểu được bản chất của kiến thức thì mới có thể nhớ lâu. Ngoài ra còn phải cố gắng tìm tòi làm nhiều dạng bài mới từ nhiều nguồn khác nhau và đi đôi với việc luôn ôn tập kiến thức cũ.
Bên cạnh đó, Khôi luôn cố gắng giữ cho tinh thần thoải mái, sức khỏe ổn định để có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi. Khi học hành căng thẳng, Khôi sẽ dành thời gian thư giãn để đọc sách, đá bóng, trò chuyện với bạn bè để khuây khỏa đầu óc.
Khôi đặt nguyện vọng vào Trường ĐH Y Dược TP.HCM, theo đuổi ngành y đa khoa để trở thành bác sĩ cứu giúp, chữa bệnh cho mọi người.

“Chỉ cần học thuộc lòng” là cách nhìn chưa đúng

Tới thời điểm hiện tại, Trương Bình An, học sinh Trường THPT Cái Nước (Cà Mau) vẫn chưa tin được mình là thủ khoa khối C của tỉnh với số điểm là 28,75 (sử 10, văn 9, địa lý 9,75). Bình An còn vào top 10 thí sinh toàn quốc có điểm thi khối C kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cao nhất.
An cho biết mình đã bén duyên với môn sử từ năm lớp 9, nhưng để gọi là thật sự yêu thích thì phải bắt đầu từ khi lên lớp 10. An cảm thấy muốn gắn bó với bộ môn này, mặc dù có nhiều thất bại và mệt mỏi nhưng chưa bao giờ em có suy nghĩ sẽ bỏ cuộc.
An chia sẻ: “Năm lớp 11 em tham gia kỳ thi học sinh giỏi vòng tỉnh môn sử nhưng không đạt giải. Em nghĩ với kết quả đó mình phải cần quyết tâm hơn. Và đó cũng chính là động lực để em quyết tâm học tập hơn”.
Bí quyết trở thành thủ khoa

Trương Bình An

An nhớ lại cô giáo dạy sử của mình từng ví von lịch sử chính là câu chuyện nên phải thật sự logic, chúng ta cần phải liên kết các sự kiện để hiểu rõ những gì bao quát nhất của lịch sử, từ đó đi sâu vào vấn đề. Vì vậy, muốn học tốt môn sử trước tiên phải có đam mê, học thật chắc kiến thức nền và đọc thật nhiều sách. Không những vậy, phải chăm chỉ tự học, và còn phải tìm hiểu từ trong sách và trên internet.
Cô Nguyễn Thị Tố Ngọc, giáo viên môn sử, Trường THPT Cái Nước, xúc động và tự hào về cậu học trò của mình: “An là một học sinh thông minh, năng động, có năng lực. Ngay từ năm lớp 10, tôi đã thấy em có tố chất nên đã chọn An tham gia vào đội tuyển học sinh giỏi sử của trường”.
Để đạt được kết quả hơn cả sự mong đợi của mình, An cho biết quá trình ôn luyện gặp không ít khó khăn nhưng đó chính là động lực để An vượt qua.
An chia sẻ trong quá trình ôn luyện, do số lượng kiến thức khá nhiều nên cũng bị căng thẳng và lẫn lộn kiến thức giữa các môn, đặc biệt trong những ngày kiểm tra thì sẽ càng xảy ra hơn. Tuy nhiên, An khắc phục những khó khăn đó bằng cách thư giãn thật tốt, làm những công việc yêu thích như xem phim hoặc nghe một bản nhạc thật vui để giải tỏa.
Theo An, học văn nên học thật chắc kiến thức trên lớp, đọc tác phẩm nhiều lần để hiểu sâu về nội dung và nghệ thuật cũng như cảm thụ được cảm xúc của tác giả. Không những thế, còn phải đọc thêm nhiều tài liệu để tạo nên sự mượt mà trong câu văn.
An cho rằng quan niệm học ban xã hội chỉ cần học thuộc lòng là cách nhìn chưa đúng, nếu tiếp xúc nhiều với những bộ môn này thì sẽ hiểu được. Thật ra có những trường hợp phải nhờ đến sự trợ giúp của giáo viên vì làm bài tập nhiều lần mà vẫn sai. Ngay cả trong đề thi năm nay tuy có nhẹ hơn so với những năm trước nhưng mức độ câu hỏi vận dụng nên cần phải tư duy nhiều, hiểu rõ bản chất vấn đề mới giải quyết được.
Còn cô Lê Thị Ngân, giáo viên môn văn, Trường THPT Cái Nước, bày tỏ: “Ngay từ đầu năm học, An đã đặt ra mục tiêu đạt điểm 9 môn văn. An không ngừng nỗ lực hết mình trong từng buổi học. Tôi rất vui vì học trò của mình đã đạt được mục tiêu đề ra. Tôi không bất ngờ về kết quả điểm thi của An, vì em xứng đáng với năng lực và sự cố gắng để có thể đạt được kết quả cao như vậy”.
Cũng theo cô Ngân, An là một học sinh có tư duy, cách lập luận trình bày khá sắc bén. Thể hiện được sự thông minh, nắm bắt vấn đề nhanh, đồng thời An cũng là người có tình cảm nên trong cách làm bài thường thể hiện được cả 2 yếu tố: tư duy và cảm xúc.
An cho biết dự định xét tuyển vào Trường ĐH Luật TP.HCM.

Làm văn phải hòa mình vào trong tác phẩm

Nguyễn Ngô Tấn Đạt, học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu (Đồng Tháp), đạt điểm 10 môn tiếng Anh và trở thành thủ khoa khối D của tỉnh Đồng Tháp với tổng điểm 28,05 (toán 8,8, văn 9,25 và tiếng Anh 10).
Nam sinh này chỉ dùng kết quả thi để xét tốt nghiệp, vì Đạt đã được tuyển thẳng vào Trường ĐH Ngoại thương cơ sở TP.HCM.
Bí quyết trở thành thủ khoa

Nguyễn Ngô Tấn Đạt

Ảnh: NVCC

Với Tấn Đạt, niềm đam mê tiếng Anh đã đến từ khi còn là học sinh tiểu học. Trong mỗi tiết học, Đạt luôn thích thú và tự tìm tòi tài liệu để học. Tấn Đạt chia sẻ, việc học tiếng Anh hiệu quả là khi bản thân tự học với tinh thần học hỏi, đón nhận mọi thông tin. “Trong thời gian ôn tập, em cùng các bạn xây dựng đề thi mẫu, và tải đề cho mọi người cùng làm và trao đổi đáp án. Nhờ vậy mà tiến bộ hơn và kết quả sau mỗi bài làm tốt dần lên”, Đạt cho biết.
Chia sẻ về bí quyết học tập, đặc biệt là các môn khối D, Tấn Đạt cho hay cần phải nắm vững kiến thức căn bản trước nếu đặt mục tiêu điểm cao. Vì đề thi không chỉ có vận dụng, mà có tới hơn 70% là các kiến thức cơ bản hoàn toàn có thể kiếm điểm.
Tấn Đạt bộc bạch: “Với môn văn, điều cần nhất đó là sự hòa mình vào trong tác phẩm, viết bằng cảm nhận của mình thì chắc chắn giám khảo sẽ cảm nhận được những gì mình muốn truyền tải”.
Theo Đạt, cần phải dành thời gian vui chơi, giải trí để đầu óc thảnh thơi thì mới minh mẫn trong quá trình ôn luyện. Chia sẻ về dự định tương lai, thủ khoa khối D cho biết đang hoàn thành hồ sơ để nộp xác nhận nhập học vào ngành kinh tế đối ngoại để thực hiện ước mơ trở thành doanh nhân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.