Ngày 20.3, thông tin từ Bệnh viện đa khoa khu vực Cẩm Phả (Quảng Ninh) cho biết đơn vị này vừa điều trị cho bệnh nhân bị rắn cắn trúng tay. Đáng chú ý, người đàn ông đã nhanh trí mang theo đầu rắn tới bệnh viện để nhận diện.
Theo lời kể của bệnh nhân T.V.H (P.Cẩm Phú, TP.Cẩm Phả, Quảng Ninh), khi đang ở nhà thì anh này thấy con rắn dài khoảng 1 mét bò ngoài cổng nên đã lao tới bắt. Tuy nhiên, người đàn ông không may bị rắn cắn vào tay. Ngay sau đó, anh H. mang theo đầu con rắn khi đến bệnh viện để nhận diện.
Tại bệnh nhân đã được ê kíp trực nhanh chóng vệ sinh, rửa sạch vết thương và thấy có vết rắn cắn vào đốt 1 ngón thứ 2 của bàn tay phải, vết cắn chảy máu, bầm tím, nề nhẹ tại chỗ, không đau ngực, không khó thở...
Các bác sĩ xác định rằng rắn cắn và đầu con rắn không phải là rắn độc. Hiện tại anh H. không có triệu chứng của nhiễm độc nọc rắn.
Bệnh nhân được xử trí theo đúng phác đồ, theo dõi dấu hiệu sinh tồn, dấu hiệu nhiễm độc... và được ra viện ngay hôm sau.
Theo các bác sĩ, tại Bệnh viện đa khoa khu vực Cẩm Phả, tại địa phương này có nhiều vùng đồi núi, có cây cối rậm rạp và các khe hồ..., là nơi rắn trú ẩn. Khi bị rắn cắn, đặc biệt là rắn độc, nếu không được sơ cứu kịp thời và đúng cách thì bệnh nhân rất dễ bị nhiễm trùng, hoại tử vị trí bị cắn, nguy hiểm hơn là tử vong do bị nhiễm độc.
Cũng theo các bác sĩ tại bệnh viện, nếu bị rắn cắn thì cố gắng bắt hoặc giết. Nếu rắn đã chết hoặc bắt được rắn phải đem cùng với bệnh nhân đến bệnh viện để nhận dạng.
Bình luận (0)