Chiều 31.5, Quốc hội thảo luận tại tổ, cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Đà Nẵng.
"Việc này có rủi ro, nhưng chúng tôi chấp nhận"
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, dẫn Nghị quyết 43/2019 và Nghị quyết 26/2022 của Bộ Chính trị, đều xác định Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm của vùng và cả nước, thậm chí trở thành một thành phố đạt đẳng cấp quốc tế và khu vực.
Tuy nhiên, qua tổng kết 5 năm, Đà Nẵng đã không thể đạt được nhiều chỉ tiêu đã đề ra. Và để làm được điều này, Đà Nẵng cần có những cơ chế mang tính đột phá, đặc thù.
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, dư địa phát triển về đất đai của thành phố đã có những hạn chế nhất định, vì thế Đà Nẵng chuyển định hướng sang phát triển xanh, phát triển bền vững dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, triển khai những chính sách mới trong thu hút đầu tư.
Ông Quảng cho hay, dự thảo nghị quyết có 30 chính sách, gồm 25 chính sách cơ bản được tiếp thu, hoàn thiện từ các địa phương khác, có phát triển, bổ sung để phù hợp thực tiễn tại Đà Nẵng.
Trong 5 chính sách mới, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh đến 2 chính sách mà ông cho là "rất đáng quan tâm". Một trong số này, thành phố đề xuất thí điểm khu thương mại tự do.
Ông Quảng khẳng định đề xuất trên thể hiện sự đột phá, dám nghĩ dám làm trong việc thử nghiệm một mô hình đã được thế giới khẳng định nhưng chưa có tiền lệ, chưa có thực tiễn ở Việt Nam.
"Chúng tôi cũng xác định việc này có rủi ro, nhưng chúng tôi chấp nhận. Nếu thành công, đây sẽ là nền tảng nhân rộng cho cả nước, còn rủi ro thì thành phố là người sẽ gánh chịu", Bí thư Thành ủy Đà Nẵng thẳng thắn chia sẻ.
Đà Nẵng sẽ tự chủ nguồn lực thay vì dựa vào T.Ư
Một chính sách khác được ông Nguyễn Văn Quảng đề cập, là Đà Nẵng sẽ hướng tới mục tiêu phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thành phố sẽ thu hút nguồn lực cho phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Theo ông Quảng, một trong những mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đặt ra là tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho một số ngành, lĩnh vực, trong đó có công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; đặc biệt là lĩnh vực người Việt Nam phù hợp như thiết kế chip bán dẫn, chip AI…
Trên cơ sở đó, nghị quyết được xây dựng theo hướng có cơ chế để thu hút các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Intel, Qualcomm, Ampere, ARM… đầu tư vào Đà Nẵng.
"Hiện nay, các nhà đầu tư lớn đã đặt vấn đề, chỉ chờ cơ chế chính sách này sẽ có đầu tư vào thành phố", ông Quảng thông tin.
Một điểm nữa, được Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng "rất mới so với nhiều địa phương khác", là thay vì dựa vào nguồn lực từ T.Ư, Đà Nẵng sẽ xây dựng chính sách để chủ động, tự chủ nguồn lực của mình, đồng thời huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.
"Nếu thành công, đây sẽ là nền tảng cho các địa phương khác nhân rộng trên cả nước", ông Quảng kỳ vọng.
Tiền đề để luật hóa các quy định về khu thương mại tự do
Trình bày tờ trình trước Quốc hội, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, theo pháp luật hiện hành thì chưa có quy định về khu thương mại tự do. Tuy nhiên, đây là mô hình phổ biến đã có trên 150 quốc gia.
Dù chưa được luật pháp quy định, song Việt Nam đã từng bước tiếp cận tới mô hình kinh tế này thông qua việc phát triển những mô hình tương tự có quy mô nhỏ hơn như: khu chế xuất, khu phi thuế quan, cửa hàng miễn thuế… nhằm tiến tới thành lập khu thương mại tự do ở Việt Nam để hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế.
Trên cơ sở nghiên cứu một số mô hình khu thương mại tự do thành công trên thế giới, Chính phủ đề xuất phương án phát triển khu thương mại tự do Đà Nẵng được xây dựng gồm 3 khu chức năng: sản xuất; hậu cần cảng - logistics; thương mại - dịch vụ.
Việc thí điểm nhằm tạo động lực phát triển mới, giúp đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng; là cơ sở để thí điểm nghiên cứu chính sách mới, làm tiền đề để luật hóa các quy định về khu thương mại tự do cho cả nước…
Bình luận (0)