'Riêng TP.HCM xin cam kết hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để tạo điều kiện triển khai và nhân rộng bác sĩ gia đình nhằm góp phần giảm tải', Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nói.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Lương Ngọc |
* TP.HCM "gửi" Bộ Y tế 4 đề nghị
Sáng 4.3, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức "Hội nghị triển khai kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình bác sĩ gia đình giai đoạn 2016 - 2020" tại TP.HCM.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết đến năm 2020, Bộ Y tế sẽ nhân rộng và phát triển phòng khám bác sĩ gia đình trên phạm vi toàn quốc.
Sau khi đọc đề án xây dựng mô hình bác sĩ gia đình, ông Đinh La Thăng góp ý Bộ Y tế nên đưa ra những mục tiêu cụ thể hơn.
Theo ý ông Thăng, nếu trong báo cáo chỉ đưa chỉ tiêu "có 80% tỉnh thành trực thuộc Trung ương triển khai mô hình này vào năm 2020" thì nên tập trung vào mục tiêu sẽ có bao nhiêu phần trăm người dân ở TP.HCM và Hà Nội tham gia mô hình bác sĩ gia đình.
Ông Đinh La Thăng nói: “Mô hình bác sĩ gia đình không thể thành công nếu chỉ có giám đốc Sở Y tế và ngành y tế tham gia. Mô hình này chỉ thành công nếu cấp ủy, chính quyền địa phương vào cuộc và được Chính phủ chỉ đạo”.
Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị Bộ Y tế cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ chủ trì triển khai mô hình bác sĩ gia đình. Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp phải thực sự vào cuộc.
“Riêng TP.HCM xin cam kết hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để tạo điều kiện triển khai và nhân rộng bác sĩ gia đình nhằm góp phần giảm tải. Để xây dựng một TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh - hiện đại - nghĩa tình thì chất lượng khám chữa bệnh cho người dân không thể không tốt”, ông Đinh La Thăng khẳng định.
4 đề nghị với Bộ Y tế để "giúp TP.HCM"
Tại hội nghị, Bí Thư Thành ủy Đinh La Thăng đưa ra 4 đề nghị với Bộ Y tế nhằm “giúp TPHCM” nâng cao chất lượng khám chữa bệnh:
Thứ nhất, Bộ cần triển khai các giải pháp đồng bộ, trước mắt, lâu dài về giảm tải bệnh viện.
Thứ hai, phối hợp với TPHCM, Bộ cần có giải pháp quyết liệt hơn để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Thứ ba là có biện pháp cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động khám chữa bệnh. Hiện nay, thủ tục khám chữa bệnh còn rườm rà, nhiêu khê. Người bệnh còn rất khổ, rất vất vả.
Thứ tư là nâng cao chất lượng quản lý dược, nhất là vấn đề kháng thuốc.
|
Bình luận (0)