Sáng 29.6, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng các đại biểu Quốc hội đã tiếp xúc với cử tri các huyện: Thanh Oai, Thanh Trì và Q.Hà Đông, để báo cáo kết quả kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XV.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Ngô Thị Nga (xã Tam Hưng, H.Thanh Oai) kiến nghị thành phố đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng mạng lưới cung cấp nước sạch trên địa bàn huyện, hiện rất chậm. Theo chỉ tiêu, đến năm 2025, 100% hộ dân trên địa bàn huyện được cấp nước sạch nhưng đến nay còn 10 xã chưa có hệ thống cung cấp nước sạch.
Các cử tri cũng phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường tại sông Đáy, sông Nhuệ và đề nghị thành phố có giải pháp sớm “làm sống lại” các dòng sông này…
Trước các ý kiến của cử tri, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cho hay thành phố đã đưa dự án cấp nước sạch cho sông Nhuệ, sông Đáy thông qua trạm bơm Liên Mạc vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025.
“Khi trạm bơm Liên Mạc hoạt động sẽ giải quyết được một phần bài toán ô nhiễm trước mắt. Về dài hạn, Hà Nội sẽ tính toán tách nước thải sinh hoạt, sản xuất ra khỏi nước mặt. Đây là một quá trình rất dài, sẽ đầu tư rất nhiều kinh phí và thành phố đang giải quyết từng bước một theo lộ trình", ông Quyền cho hay.
Trả lời ý kiến cử tri, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, hiện toàn thành phố sản xuất nước được khoảng 1,5 triệu m3/ngày đêm. Trong số này có 50% được sản xuất từ nguồn nước mặt, còn lại 50% từ nước ngầm. Thành phố đang tập trung đẩy mạnh khai thác nguồn nước mặt dần thay thế cho nước ngầm… để đảm bảo giảm ô nhiễm nguồn nước ngầm, đồng thời nâng cao chất lượng nước sinh hoạt cung ứng cho nhân dân.
Bên cạnh đó, Bí thư Hà Nội cũng bày tỏ sự đau xót khi khu vực các huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, là vùng thoát lũ và xả lũ mà người dân lại không có nước sạch để dùng, thiếu cả nước sản xuất.
"Đây là điểm rất trăn trở với lãnh đạo thành phố và thời gian tới sẽ tập trung tháo gỡ. Hà Nội cũng đã có những quyết sách như mua nước ở các tỉnh xung quanh để đấu nối dần vào. Chúng tôi đang yêu cầu UBND thành phố chỉ đạo sở, ngành báo cáo tổng hợp toàn diện tình hình nước sạch, từ quy hoạch, phát triển nguồn đến khả năng cung ứng", ông Dũng nói.
Cũng theo Bí thư Đinh Tiến Dũng, thành phố đang tập trung giải “bài toán” giá nước sạch để đảm bảo công bằng cho người sử dụng nước, đảm bảo mức hợp lý để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư…
Đối với kiến nghị giải quyết ô nhiễm môi trường sông Nhuệ, sông Đáy, Bí thư Hà Nội khẳng định đây là vấn đề đại sự và mấu chốt là phải tách được nước thải và nước mặt. “Đồng thời đầu tư hệ thống gom nước thải để xử lý không cho chảy vào các sông, tiếp nước vào thau rửa. Tuy nhiên, vốn đầu tư để làm việc này rất lớn, thành phố sẽ cân đối để thực hiện”, ông Dũng cho biết thêm.
Bình luận (0)