Bí thư Nguyễn Thanh Nghị: Kiên Giang cũng băn khoăn về dừng giao dịch đất 'đặc khu'

07/06/2018 10:31 GMT+7

Thanh tra Chính phủ đang tiến hành thanh tra việc quản lý đất đai tại Phú Quốc (Kiên Giang) và những khuất tất, giao dịch “ngầm” (nếu có) sẽ được làm rõ.

Trước những thông tin nóng về tình hình chuyển đổi ồ ạt mục đích sử dụng đất, giao dịch ngầm đất đai phức tạp tại 3 khu vực được chọn để phát triển đặc khu là Phú Quốc, Vân Đồn và Vân Phong, bên lề Quốc hội, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị đã có trao đổi với Thanh Niên về vấn đề này.
Trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 5.6, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà có nói các địa phương dừng giao dịch đất đai “đặc khu” là trái pháp luật. Kiên Giang có tình trạng này không, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Nghị: Trong khi chờ pháp lý là luật Đặc khu, Kiên Giang quản lý theo quy hoạch. Tỉnh chỉ tạm dừng chuyển mục đích sử dụng đất, hoặc chỉ chuyển mục đích theo quy hoạch; tạm dừng tách thửa theo luật Đất đai để rà soát. Giao dịch thì Kiên Giang không tạm dừng. Các cấp chính quyền của Kiên Giang đều thực hiện theo hướng đó.
 
Trao đổi riêng với Thanh Niên bên lề Quốc hội chiều 6.6, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết: Việc thanh tra đất đai tại Phú Quốc thực hiện theo chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, sau khi tình hình vi phạm tại đây có dấu hiệu nổi lên. “Thanh tra Chính phủ không có chuyên đề thanh tra về đất đai tại các “đặc khu” mà chỉ nổi lên ở Phú Quốc, do có đoàn thanh tra theo kế hoạch, nên ghép nội dung đó vào để có kết quả rõ ràng”, ông Khái cho biết.
Trả lời câu hỏi về việc liệu Thanh tra Chính phủ có triển khai một chuyên đề thanh tra liên quan đến chủ đề này sau khi tình hình chuyển nhượng đất đai khu vực được chọn để phát triển đặc khu đang được Chính phủ nhận định là rất phức tạp, nhất là tình hình chuyển nhượng ngầm, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết: “Hiện chưa có kế hoạch nào cho chuyên đề này, cũng chưa có chỉ đạo. Thanh tra Chính phủ đang tiến hành hoạt động thanh tra theo kế hoạch 2018, trong đó có nội dung thanh tra việc quản lý đất đai ở Phú Quốc”.
Nghĩa là, theo ông, Kiên Giang không làm sai quy định nào của luật?
Như tôi đã nói, Kiên Giang không tạm dừng giao dịch, mà chỉ tạm dừng chuyển đổi mục đích, tách thửa để chờ rà soát quy hoạch, chuẩn bị triển khai theo chủ trương chung.
Bây giờ tình hình giao dịch đất ở địa phương đã ổn định chưa, vì một số đại biểu cũng lo ngại là luật chưa xong, đất đai đặc khu đã “chia” hết?
Hiện Thanh tra Chính phủ đang làm, địa phương cũng đã có báo cáo tình hình gửi Thanh tra Chính phủ. Cứ đợi kết thúc thanh tra để Thanh tra Chính phủ công bố. Tình hình cũng có chuyển biến.
Có phải Thanh tra vào cuộc sau khi giao dịch đất của các đặc khu có dấu hiệu nóng lên?
Không. Đây là thanh tra thường xuyên theo kế hoạch, thanh tra cả tỉnh, chứ không riêng gì Phú Quốc. Việc này được triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng và Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về nhiều mặt thực hiện của Kiên Giang, trong đó có đất đai, khoáng sản...
Theo kế hoạch, đoàn thanh tra sẽ làm việc trong 70 ngày, hiện cũng đã triển khai được hơn 1 tháng.
Trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội có nhận định Phú Quốc, Vân Phong có nhiều giao dịch đất “ngầm”, mà Kiên Giang, Khánh Hòa không kiểm soát được?
Như tôi đã trao đổi, hiện Thanh tra Chính phủ đang triển khai thanh tra. Câu trả lời của bạn sẽ có cụ thể hơn khi có kết quả thanh tra. Về biện pháp quản lý của địa phương thì chúng tôi công khai quy hoạch, khuyến cáo cho mọi người biết quy hoạch thế, các giao dịch là không đúng quy định của pháp luật. Về đất đai thì Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đã trả lời rồi.
Việc Kiên Giang được nhận định là không quản lý tốt giao dịch đất "ngầm" phải chăng do không đóng băng giao dịch như Quảng Ninh?
Khi nghe thông tin mấy địa phương ngừng giao dịch thì trong đó cũng băn khoăn lắm. Chúng tôi trao đổi với mấy anh ngoài này xem quy định pháp luật thế nào, cân nhắc rất nhiều. Tuy nhiên, trong phạm vi tỉnh, Thủ tướng chỉ yêu cầu rà soát quy hoạch, để chuyển đổi mục đích cũng phải đúng quy hoạch, đang quy hoạch thế chuyển sang mục đích khác là không được. Cũng rà soát, tìm tư vấn thực hiện quy hoạch để phù hợp với định hướng.
Tỉnh căn cứ theo quy hoạch nào để yêu cầu người dân ngưng chuyển đổi mục đích, vì quy hoạch đặc khu chưa được duyệt, không thể căn cứ vào đó?
Trước đây có quy hoạch phát triển chung Phú Quốc do Thủ tướng phê duyệt, sau đó chuyển sang quy hoạch chung xây dựng, phê duyệt theo Quyết định 63 của Thủ tướng. Quyết định 63 có tư vấn nước ngoài. Hiện nay, Thủ tướng đã chỉ đạo tiếp tục rà soát nữa, chúng tôi sẽ đánh giá thực hiện quy hoạch cái đã, rồi sắp tới sẽ có quy hoạch định hướng phát triển cho phù hợp.
Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc bị kỷ luật vừa rồi có phải do không quản lý được việc lũng đoạn, đầu cơ đất "đặc khu"?
Việc đó tỉnh đã làm trước. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại các địa bàn thì Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và Thanh tra tỉnh đã thực hiện trước khi Thanh tra Chính phủ vào.
Tại kỳ họp này, dự luật Đặc khu đang gây rất nhiều tranh luận. Với riêng Phú Quốc, đề án của Kiên Giang trình có chỉnh sửa nhiều so với phiên bản đã trình ở kỳ họp trước không, thưa ông?
Đề án được thực hiện song song với luật, trên tinh thần của luật. Khi Quốc hội đã quyết luật thế nào thì đề án sẽ được chúng tôi chỉnh sửa, hoàn thiện theo, vì đề án đã được quyết định thông qua tại kỳ họp sau, chứ không thông qua cùng với luật như dự kiến ban đầu.
Nếu Quốc hội quyết định bỏ điều khoản cho thuê đất 99 năm thì có ảnh hưởng gì đến việc thu hút đầu tư của Phú Quốc không?
Việc đất đai Quốc hội chưa quyết, chúng tôi sẽ đợi Quốc hội thông qua.
Tại kỳ họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo xây dựng dự luật Đặc khu có chỉ đạo các địa phương phải chuẩn bị về nhân sự khi luật thông qua thì mô hình đặc khu có thể vận hành được ngay. Vậy Kiên Giang đã chuẩn bị đến đâu?
Từ chỉ đạo của Thủ tướng, chúng tôi đã có triển khai một bước chuẩn bị, khi nào có cụ thể thì địa phương sẽ thực hiện. Hiện nay chỉ đạo chính thức chưa có, Trung ương cũng chưa có hướng dẫn gì, nên chúng tôi cũng mới chỉ rà soát lại, đánh giá cán bộ của mình để đảm bảo đảm đương được nhiệm vụ.
Với việc Phú Quốc hiện đã quá đông đúc mà chưa cần cơ chế ưu đãi đất đai, phải chăng Phú Quốc cần những đột phá về thể chế hơn?
Phú Quốc vẫn cứ phải tiếp tục thu hút nhà đầu tư. Trong luật đặc khu cũng thể hiện rất rõ, quan trọng nhất là cơ chế, chính sách. Thủ tướng cũng đã giải thích rất chính xác điều này.
Xin cảm ơn ông!
Theo thống kê của Chính phủ, tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang (nơi dự kiến thành lập đặc khu kinh tế Phú Quốc), từ 1.1.2017 đến 30.4 có 5 tổ chức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với tổng diện tích 8,5 ha; 12.268 hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, với tổng diện tích 699,96 ha.
Phú Quốc được Chính phủ nhận định có tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trái phép sang đất phi nông nghiệp, lấn chiếm đất đai (nhất là lấn, chiếm đất rừng), chuyển nhượng quyền sử dụng đất không làm thủ tục theo quy định, mua bán trao tay, trong đó đa phần là đất không có giấy tờ, không rõ nguồn gốc, trình trạng san lấp, phân lô, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp diễn ra phức tạp.
Chính phủ thừa nhận tình trạng chuyển nhượng đất “ngầm” vẫn còn diễn ra mà vẫn chưa được phát hiện kịp thời, xử lý, nhất là tại các tỉnh Khánh Hòa và Kiên Giang.
Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu do chưa quyết liệt và kịp thời trong việc ngăn chặn, xử lý kịp thời tình trạng giao dịch đất đai không đúng quy định tại địa phương; chưa kịp thời xử lý tình trạng tăng giá đất đột biến, bất thường gây bức xúc trong dư luận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.