Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: TP.HCM không thể nông thôn mới mãi được

28/11/2019 14:34 GMT+7

Theo Ủy viên Bộ Chính trị , Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, số hộ dân ở 5 huyện của TP.HCM ít làm nông nghiệp nên phương hướng thời gian tới là chuyển 5 huyện từ nông thôn mới sang đô thị văn minh.

Sáng 28.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2020 - 2025.

Có huyện dự báo chỉ 0,1% hộ dân làm nông nghiệp

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, nêu ở TP.HCM có 5 huyện (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ) nhưng có bao nhiêu người làm nông nghiệp?

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, đây là vấn đề rất đáng quan tâm bởi phần lớn hộ dân ở 5 huyện này đều không làm nông nghiệp. Đơn cử như ở H.Củ Chi năm 2011, cứ 100 hộ dân thì chỉ có 18 hộ dân làm nông nghiệp. Số lượng đã ít như vậy nhưng đến năm 2019 chỉ còn 7,5 hộ/100 hộ làm nông nghiệp.

Một hộ nuôi bò sữa ở Củ Chi

Ảnh tư liệu

“Tên gọi là huyện (ý Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói H.Củ Chi - PV) nhưng hộ làm nông nghiệp rất ít. Dự báo năm 2025, Củ Chi chỉ còn 6.100 hộ làm nông nghiệp, chiếm 3,8% tổng số hộ, năm 2030 huyện có khoảng 4% hộ làm nông nghiệp và chiếm 6% tổng thu nhập của huyện. Vậy Củ Chi có phải là huyện nông nghiệp không?”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân hỏi và khẳng định Củ Chi không phải là huyện nông nghiệp. Do đó cần có định hướng phát triển nông thôn mới ở Củ Chi như thế nào khi 96% dân số ở đây không làm nông nghiệp.

Nói về H.Hóc Môn, Bí thư Thành ủy TP.HCM đưa ra số liệu thống kê năm 2019, huyện này có chưa tới 2.000 hộ nông dân và cứ 100 hộ dân thì chỉ có 1,3 hộ làm nông nghiệp. Đến năm 2025 dự báo trong 100 hộ chỉ còn 0,6 hộ làm nông nghiệp, đến năm 2030 chỉ còn 0,1% hộ dân làm nông nghiệp.

Chuyển từ huyện lên quận cần có lộ trình

Bình Chánh là huyện có diện tích nông nghiệp khá lớn nhưng số hộ làm nông nghiệp năm 2019 chỉ còn 2.400 hộ, đạt 1,2% tổng số hộ dân của huyện. Nguồn thu và nguồn lực phát triển của huyện không phải từ nông nghiệp mà từ dịch vụ và công nghiệp.

“Đến năm 2025 theo quy hoạch Bình Chánh còn 1.200 hộ làm nông nghiệp, chiếm 0,4% số hộ dân. Do đó Bình Chánh cần chuẩn bị hướng tới chuyển từ huyện thành quận có sản xuất nông nghiệp. Bình Chánh không thể quy hoạch thành huyện với những tiêu chí bình thường được vì nông nghiệp ít lắm”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, Nhà Bè gọi là huyện nhưng đến nay chỉ có 256 hộ dân (chiếm 0,5% số hộ dân của huyện) làm nông nghiệp. Do đó lãnh đạo của địa phương này đang hướng tới chuyển thành quận nhưng việc chuyển đổi này cần phải có lộ trình.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết với cả nước, chương trình nông thôn mới có thể còn kéo dài chứ với TP.HCM cần phải chuyển từ nông thôn mới sang đô thị văn minh. Đây là con đường mà TP.HCM phải đi chứ không thể nông thôn mới mãi được.

“Do đó thời gian tới nhiệm vụ của TP.HCM phải chuyển sang nông nghiệp năng suất cao, chuyển từ nông thôn sang thành thị. Cần thời gian 5 năm chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi này”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nói.

24% hộ dân ở Cần Giờ làm nông nghiệp

Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, ở TP.HCM chỉ có Cần Giờ là huyện giữ được thế mạnh nông nghiệp, lâm nghiệp lâu dài. Tuy nhiên ở Cần Giờ, số hộ dân làm nông nghiệp không chiếm tỉ lệ áp đảo. Năm 2019, số hộ làm nông nghiệp ở Cần Giờ chỉ chiếm 24% tổng số hộ dân, dự báo đến năm 2025 còn 17%, đến năm 2030 còn 12%. Như vậy có 88% số hộ dân ở Cần Giờ không làm nông nghiệp.

“Tuy số hộ dân làm nông nghiệp ở Cần Giờ có chiều hướng giảm nhưng phương hướng phát triển ở Cần Giờ cần giữ cho được khu sinh quyển, phát triển trồng rừng và thủy sản…”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.