Bí thư Thành ủy Hà Nội: Nguồn lực thiếu mà dự án 'cứ nằm như bãi rác'

24/10/2023 14:31 GMT+7

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhận định, những dự án "đắp chiếu" 10, thậm chí 20 năm vừa gây lãng phí nguồn lực, vừa khiến người dân bức xúc, là "cái ổ của mất an ninh trật tự".

Sáng 24.10, phát biểu tại phiên thảo luận tổ kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhận định tình hình kinh tế - xã hội có nhiều điểm sáng nhưng vẫn còn khó khăn.

Bí thư Hà Nội: Nguồn lực thì thiếu mà dự án 'cứ nằm đấy như bãi rác' - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tại phiên thảo luận tổ sáng 24.10

GIA HÂN

Ví dụ như, giải ngân đầu tư công dù cao hơn so với năm trước nhưng còn chưa như kỳ vọng, nếu đạt 100% yêu cầu đặt ra thì sẽ trở thành động lực rất lớn. Hay như lĩnh vực xuất khẩu cũng suy giảm, không những doanh nghiệp trong nước mà cả doanh nghiệp nước ngoài.

Tình trạng tín dụng cũng gặp nút thắt, ngân hàng thừa thanh khoản, doanh nghiệp dù thiếu tiền nhưng rất khó để tiếp cận. "Đây phải chăng là điểm đột phá để tháo gỡ, xem nó là cái gì, tháo được cái này sẽ kích thích sản xuất", ông Dũng nói.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng nhắc đến vấn đề mà ông "rất quan tâm", đó là thị trường bất động sản. "Không biết bây giờ cả nước có bao nhiêu dự án bất động sản nằm chết đứng, Hà Nội thì vô cùng", ông Dũng dẫn chứng thủ đô có 712 dự án chậm triển khai lâu năm, vừa rồi đã hủy được hơn 100 dự án, "cũng phải mấy nghìn ha".

Theo ông Dũng, những dự án "đắp chiếu" 10 thậm chí 20 năm khiến người dân bức xúc, là "cái ổ của mất an ninh trật tự"; nguồn lực thiếu từ T.Ư tới địa phương, nhưng dự án lại "cứ nằm đấy như bãi rác".

Tình trạng này nếu được giải quyết sẽ là bước tiến để kích thích thị trường bất động sản, rồi hàng loạt vấn đề "lăn bánh" theo như nguyên vật liệu, công ăn việc làm, lao động… góp phần thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô, thông được tín dụng ngân hàng và cả trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Vẫn theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, nhiều dự án chiếu theo quy định hiện hành là sai, vì ngày xưa không đấu thầu, đấu giá, "cứ giao vậy thôi"; để nằm đó thì dân tình bức xúc, đầu tư lãng phí, nhưng bảo làm tiếp thì cũng lo sẽ đối mặt rủi ro pháp lý, không biết tháo gỡ bằng cách nào.

"Phải chăng Quốc hội nên có chỉ đạo cho rà soát tổng thể, có chủ trương chung để giải quyết. Chính phủ không dám rồi, nó ngoài tầm, ở đây vướng chủ yếu là luật Đất đai, rồi luật Đầu tư", ông Dũng gợi mở.

Đáng chú ý, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhắc đến báo cáo của T.Ư về tâm lý trông chờ, ỉ lại, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ. Theo ông Dũng, chủ trương là ai không làm thì đứng sang một bên, "nhưng chưa thấy ông nào đứng sang một bên cả".

'Phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm lơ lửng trên đầu'

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đề cập tới tình trạng nợ đọng văn bản có chiều hướng tăng so với năm trước, khiến công tác thực thi pháp luật chưa hiệu quả.

Nguyên nhân của vấn đề này, ngoài khó khăn khách quan và trình độ cán bộ thì còn một vấn đề là sợ trách nhiệm. Càng ngày cán bộ cảm thấy càng khó khăn trong công việc, "sơ hở, bất cập, phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm lơ lửng trên đầu, làm cái gì cũng phải nghĩ đến".

Tâm lý trên có hai mặt. Mặt tốt là sẽ giúp cán bộ nhận thức, tránh được sai phạm, nhưng mặt khác cũng có thể dẫn tới sợ, không dám có những ý mới, khác với phần đông.

Hiện nay, Chính phủ đã có nghị định về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Tuy nhiên, bà Phương cho rằng vẫn cần có thời gian, lộ trình để cán bộ thực sự dám sáng tạo.

Cũng liên quan đến công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nữ đại biểu đánh giá chất lượng văn bản dưới luật còn chưa cao, nhiều văn bản vừa ban hành đã ngưng hiệu lực, thậm chí ban hành chưa kịp có hiệu lực đã ngưng. Hoặc có văn bản khi ban hành thì lại không đưa ra quy định chuyển tiếp, gây khó khăn khi triển khai, thực hiện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.