Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu Sở GD-ĐT đề xuất chính sách thu hút giáo viên

29/08/2023 13:36 GMT+7

Chuẩn bị bước vào năm học mới, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã có những chỉ đạo cụ thể đối với ngành GD-ĐT sao cho đảm bảo môi trường học tập an toàn, thân thiện, phụ huynh học sinh an tâm khi cho con em đến trường.

Ngày 29.8, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM, Ban Tuyên giáo Thành ủy và lãnh đạo Sở GD-ĐT TP về công tác chuẩn bị năm học mới 2023-2024.

Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu Sở GD-ĐT đề xuất chính sách thu hút giáo viên  - Ảnh 1.

Giáo viên, học sinh TP.HCM chuẩn bị bước vào năm học mới 2023-2024

ĐÀO NGỌC THẠCH

 Áp lực về tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày ở tiểu học và THCS

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, báo cáo với lãnh đạo TP.HCM về công tác đầu tư xây dựng trường lớp chuẩn bị khai giảng năm học mới 2023-2024. Theo đó, sẽ có 27 dự án với 441 phòng học đưa vào sử dụng dịp khai giảng năm học. Trong đó, số phòng học mới lần lượt ở các cấp học cụ thể: Mầm non: 68 phòng học (tăng thêm 68 phòng); tiểu học: 197 phòng học (tăng thêm 117 phòng); THCS: 88 phòng học (tăng thêm 39 phòng)… Dự kiến từ sau ngày 5.9 đến hết năm 2023, TP sẽ đưa vào sử dụng thêm 21 dự án với 231 phòng học mới.

Lãnh đạo ngành giáo dục cho biết, năm học 2023-2024 vẫn tiếp tục đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học. Thực hiện mục tiêu phấn đấu giảm sĩ số học sinh trên lớp theo điều lệ và tăng tỷ lệ học 2 buổi/ngày.

Riêng về tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày, theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, bậc học mầm non và THPT cơ bản đã đáp ứng được mục tiêu phấn đấu 100% tỷ lệ học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hiếu cũng chỉ ra, thực hiện chương trình GDPT 2018, mục tiêu phấn đấu 100% học sinh được học 2 buổi/ngày gặp nhiều khó khăn, áp lực lớn nhất ở tiểu học và THCS. Hiện nay, toàn thành phố tỷ lệ này chưa đạt, cụ thể bậc tiểu học đạt 80,66%, THCS đạt 76,03%. Nhiều quận, huyện có tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày thấp (dưới 50%) ở tiểu học gồm: quận 12, Tân Phú, Bình Tân. Ở bậc THCS, tỷ lệ thấp rơi vào quận 12, Tân Bình.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chỉ đạo như thế nào cho năm học mới? - Ảnh 2.

Thành phố cần đề xuất chính sách thu hút giáo viên, theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP.HCM

NHẬT THỊNH

Những chỉ đạo từ Bí thư Thành ủy TP.HCM

Sau khi nghe lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM báo cáo, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã có những ý kiến chỉ đạo quan trọng để ngành giáo dục có sự chuẩn bị tốt nhất trước khi chính thức bước vào năm học mới.

Bí thư Nguyễn Văn Nên đánh giá cao tinh thần chủ động của Sở GD-ĐT trong công tác chuẩn bị cho năm học mới. Trong đó, ngành giáo dục đã đổi mới phương thức tuyển sinh đầu cấp bằng hình thức trực tuyến, ứng dụng bản đồ GIS trong quá trình tuyển sinh. Phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện, TP.Thủ Đức để đảm bảo công tác tuyển sinh an toàn, minh bạch; chuẩn bị mọi điều kiện để cơ sở giáo dục bắt đầu một năm học mới đầy khởi sắc…

Tại buổi làm việc, Bí thư Nguyễn Văn Nên yêu cầu ngành giáo dục TP tập trung các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024. Theo đó, tiếp tục rà soát chuẩn bị chu đáo cho năm học mới, đặc biệt về các điều kiện cơ bản về cơ sở vật chất, trường lớp, sách giáo khoa. Ngành giáo dục phải đảm bảo điều kiện môi trường học tập, sinh hoạt, đi lại, vệ sinh, an toàn giao thông, giao tiếp lành mạnh thân thiện… để phụ huynh an tâm khi cho con em đến trường. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến học sinh khó khăn.

Đặc biệt, Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị: "Sở GD-ĐT phải nghiên cứu đề xuất chính sách về thu nhập, điều kiện làm việc thu hút giáo viên các môn học đặc thù còn thiếu như âm nhạc, mỹ thuật, tin học và tiếng Anh tiểu học để triển khai hiệu quả chương trình GDPT 2018. Chính sách thu hút nhân viên y tế để đủ và thực hiện đúng chức năng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường vệ sinh cho học sinh trong nhà trường... để TP.HCM không thiếu những giáo viên, nhân viên cần thiết".

Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu Sở GD-ĐT đề xuất chính sách thu hút giáo viên  - Ảnh 3.

Tính toàn thành phố, hiện nay bậc tiểu học có 80,66% học sinh được học 2 buổi/ngày

NHẬT THỊNH

Năm học mới, ngành giáo dục cần quan tâm hơn nữa đối với học sinh gặp rối loạn phát triển, khó khăn trong giao tiếp và tương tác xã hội; học sinh hòa nhập, chuyên biệt. Các em có thể gặp khó khăn về thể chất, tinh thần, học tập, do đó ngành cần có những giải pháp thiết thực để giúp các em hòa nhập với cộng đồng, phát huy tối đa khả năng của mình. Xây dựng chương trình giáo dục, môi trường học tập phù hợp với từng đối tượng học sinh, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ huynh và cộng đồng về giáo dục hòa nhập, chuyên biệt giúp xóa bỏ định kiến, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh hòa nhập, chuyên biệt hòa nhập với cộng đồng. Gia đình, cộng đồng cần được phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc giáo dục học sinh hòa nhập, chuyên biệt để tạo thành một hệ thống hỗ trợ toàn diện cho các em.

Cũng trong thời gian các trường đang chuẩn bị cho lễ khai giảng, Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu chương trình lễ khai giảng ngắn gọn, thiết thực, tiết kiệm, phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường. Chương trình khai giảng cần chú trọng tạo dấu ấn, hấp dẫn đối với học sinh, giúp các em có những trải nghiệm đáng nhớ trong ngày đầu tiên của năm học mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.