|
Ông Hưng giải thích: “Xe thì thấy xe tư nhân nhiều, xe lãnh đạo trên này cũng có, nhưng mà anh em ghé đó rồi cũng chạy đi nên mình cũng không biết nhiều ít thế nào. Lãnh đạo tỉnh thì anh em bạn bè người ta nhiều nên có gì thì cũng phải thông cảm. Như đồng chí Huệ chỉ có một đứa con một à, nên anh em đi dự đám cưới cũng hơi nhiều chút. Nhưng nói gì thì nói, việc đó là có sơ suất, phải rút kinh nghiệm”.
“Không nhận được thông tin”
Trong khi đó, ông Nguyễn Đỗ Vũ, quyền Chánh thanh tra giao thông - Sở GTVT Bình Dương, khẳng định các xe ô tô dừng, đỗ trên vỉa hè, sau biển báo cấm, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường… đều vi phạm luật Giao thông đường bộ. “Nếu lực lượng Thanh tra giao thông phát hiện sẽ xử lý ngay, bất kể là xe nào”, ông Vũ nói.
|
Trưa ngày 8.12, hàng chục xe ô tô biển xanh, đỏ, trắng dừng, đỗ vi phạm giao thông trên đại lộ Bình Dương, đường Hoàng Hoa Thám, đường Huỳnh Văn Lũy (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) để đi dự đám cưới con trai Giám đốc công an tỉnh Bình Phước lại không có lực lượng chức năng nào xử lý. “Ngày 8.12, chúng tôi vẫn bố trí nhiều tổ tuần tra xử lý vi phạm giao thông. Tuy nhiên, do là ngày nghỉ, thường vào ngày thứ bảy, chủ nhật, chúng tôi ưu tiên và tăng cường tuần tra, xử lý ở các điểm nóng về ùn tắc, tai nạn giao thông, các điểm mà xe khách thường dừng, đỗ đón trả khách sai quy định. Do đó, ở khu vực tổ chức đám cưới chúng tôi không nhận được thông tin”, ông Vũ giải thích.
Phải kỷ luật theo quy định của Chính phủ
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho rằng khoản 3 điều 22 quy định về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty nhà nước được ban hành kèm theo Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg ngày 7.5.2007 của Thủ tướng Chính phủ (sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 184/2007/QĐ-TTg ngày 30.11.2007 và Quyết định số 61/2010/QĐ-TTg ngày 30.9.2010 của Thủ tướng Chính phủ) đã quy định: Đối với việc quản lý, sử dụng phương tiện đi lại không đúng quy định thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng phương tiện đi lại trái với quy định của Nhà nước; tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và mức thiệt hại mà phải bồi thường thiệt hại, đồng thời bị xử lý kỷ luật theo quy định của Chính phủ và các quy định của pháp luật có liên quan. Ngoài hình thức phạt tiền và bồi thường thiệt hại gây ra (điều 28 Nghị định số 84/2006/NĐ-CP ngày 18.8.2006 của Chính phủ quy định mức phạt tiền tới 2 triệu đồng), cán bộ, công chức sử dụng xe công không đúng mục đích như Báo Thanh Niên phản ánh còn bị xử lý kỷ luật theo điều 21 của Nghị định số 103/2007/NĐ-CP ngày 14.6.2007 của Chính phủ.
Đối với thẩm quyền, thủ tục xử phạt, thi hành, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính thì được quy định tại mục 3 chương III của Nghị định số 84/2006/NĐ-CP, theo đó chủ tịch UBND cấp huyện và cấp tỉnh, lực lượng thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm nói trên. “Cần phải xử lý nghiêm theo quy định thì mới ngăn chặn được tình trạng tương tự trong tương lai”, luật sư Hậu nói.
Gia Khánh - Đỗ Trường
>> Phớt lờ' luật giao thông tại đám cưới con trai giám đốc công an tỉnh
>> Sinh viên tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ
>> Dùng cảnh sát "bù nhìn” để "siết" luật giao thông
>> Hội thi tìm hiểu luật giao thông
Bình luận (0)