Thông tin trên được Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy báo cáo tại Đại hội XIII khi trình bày tham luận tại Đại hội.
Theo ông Duy, cũng như các tỉnh miền núi phía Bắc, Yên Bái bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với rất nhiều khó khăn, thách thức.
Kết quả điều tra hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) đến cuối năm 2015 tại Yên Bái cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 32,21%, cao thứ 6 toàn quốc. Trong đó, phần lớn tập trung tại các địa bàn vùng cao, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, riêng tại 2 huyện 30a đều có tỷ lệ hộ nghèo trên 75%, thuộc vào nhóm các huyện nghèo nhất cả nước.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đó là địa hình đồi núi chia cắt mạnh, thường xuyên chịu tác động của thiên tai; hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn; diện tích đất canh tác hạn chế, người dân còn thiếu tư liệu sản xuất;…
Bên cạnh đó, theo ông Duy, tư duy, nhận thức và công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền trong công tác giảm nghèo còn hạn chế, bất cập; một bộ phận người nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không có ý chí vươn lên thoát nghèo.
Từ thực tiễn trên, ông Duy cho hay, những năm qua, Đảng bộ tỉnh Yên Bái luôn coi công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, với quan điểm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, sau 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Yên Bái đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 7,04% (đứng thứ 12 toàn quốc, cải thiện 6 bậc so với đầu nhiệm kỳ).
Bình quân giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ giảm hộ nghèo toàn tỉnh này đạt 5,03%/năm (bằng 125% kế hoạch đề ra đầu nhiệm kỳ), riêng tại 2 huyện 30a giảm bình quân 8,32%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 7,66%/năm, cao hơn nhiều so với bình quân chung toàn tỉnh và của cả nước.
Tương tự, số xã đặc biệt khó khăn giảm 26,3%, còn 59 xã; số thôn, bản đặc biệt khó khăn giảm 16,9% còn 383 thôn, bản.
“Trong những năm qua, tỉnh Yên Bái đã thực sự đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp thiết thực, sáng tạo, hiệu quả”, ông Duy khẳng định.
“Giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm”
Cách làm thiết thực, sáng tạo, hiệu quả mà ông Duy nói thể hiện ở việc hàng năm, Tỉnh ủy Yên Bái đều ban hành Chương trình hành động lãnh đạo thực nhiệm vụ chính trị của năm và Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo trong năm theo phương châm “giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm”.
Trong đó, giao chỉ tiêu giảm nghèo cho từng huyện, thị, thành phố; đồng thời, phân công nhiệm vụ, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp cấp tỉnh phối hợp cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương để trực tiếp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, giúp đỡ từ 20-50 hộ nghèo/năm (có địa chỉ cụ thể) tại các xã đặc biệt khó khăn mà cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đó được phân công hỗ trợ, giúp đỡ thường xuyên.
Đặc biệt, theo ông Duy, tỉnh Yên Bái đã phát huy vai trò chủ thể của người dân trong việc chủ động đóng góp công sức, trí tuệ, nỗ lực phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, đưa việc thực hiện giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trở thành nhu cầu, là khát vọng của các tầng lớp nhân dân.
“Trong 2 năm 2019 và 2020, toàn tỉnh đã có 333 hộ nghèo có đơn tự nguyện xin thoát nghèo”, ông Duy cho biết.
Đồng thời với việc thực hiện các chính sách, dự án theo quy định của T.Ư, Yên Bái cũng đã tập trung xây dựng các quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, bố trí ổn định dân cư, gắn với ban hành đồng bộ, kịp thời bộ cơ chế, chính sách, đề án riêng của tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo theo hướng tích hợp, đồng bộ với các chính sách của T.Ư và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương để phát huy tiềm năng, lợi thế và các yếu tố đặc thù của từng địa bàn, khu vực trong tỉnh.
Bên cạnh đó, hỗ trợ tư liệu sản xuất, nhất là đất sản xuất, kết hợp với vận động, hỗ trợ nông dân vùng cao đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, xóa bỏ tập quán, thói quen canh tác lạc hậu, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng sất, chất lượng, giá trị của sản phẩm; đồng thời mở rộng liên kết sản xuất (theo nhóm hộ, thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã), từng bước phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị gồm các sản phẩm chủ lực, đặc sản, OCOP. Quan tâm phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác kết hợp với đẩy mạnh thu hút các thành phần kinh tế, nhất là khu vực kinh tế tư nhân tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn...
Nhờ vậy, theo ông Đỗ Đức Duy, đến hết 2020, tỉnh Yên Bái có 75/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 50% tổng số xã của toàn tỉnh, cao gấp 1,35 lần bình quân chung của vùng Trung du và miền núi phía Bắc (37%), gấp 1,85 lần bình quân chung khu vực Tây Bắc (27%)… Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng gấp 2,0 lần so với năm 2015.
Bình luận (0)