Bí thư TP.HCM: 'Bác sĩ ra toa rồi, còn lại người bệnh có muốn uống hay không'

04/04/2023 09:56 GMT+7

Bí thư Nguyễn Văn Nên nói rằng các chuyên gia, nhà khoa học đã gợi mở nhiều "toa thuốc" để tăng trưởng kinh tế TP.HCM, còn lại là "người bệnh có uống đúng hay không, và thực sự có muốn uống hay không".

Sáng 4.4, TP.HCM tổ chức hội nghị Thành ủy mở rộng để đánh giá tình hình kinh tế xã hội quý 1, nhiệm vụ trọng tâm quý 2, công tác xây dựng Đảng và chính quyền.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá các chỉ số kinh tế xã hội quý 1 cho thấy khá rõ dù có nhiều nỗ lực, quyết tâm nhưng chưa mang lại kết quả như mong muốn, chưa chặn được đà suy giảm.

Bí thư TP.HCM: 'Bác sĩ ra toa rồi, còn lại người bệnh có muốn uống hay không' - Ảnh 1.

Bí thư Nguyễn Văn Nên phát biểu khai mạc hội nghị Thành ủy TP.HCM sáng 4.4

NGUYÊN VŨ

Tại hội nghị kinh tế xã hội ngày 1.4 vừa qua, UBND TP.HCM đã đánh giá đúng mức những mặt khó khăn, yếu kém, nguyên nhân dẫn đến đầu tư công thấp, các vụ việc của doanh nghiệp chưa được giải quyết. Một lần nữa, Bí thư Nguyễn Văn Nên gửi lời cảm ơn đến những góp ý, chia sẻ giải pháp giống như những "toa thuốc" của giới chuyên gia, nhà khoa học cả trong và ngoài nước.

"Bác sĩ đã ra toa rồi, người bệnh có uống đúng hay không, và thực sự có muốn uống hay không", Bí thư Thành ủy TP.HCM đặt vấn đề, đồng thời yêu cầu cần bàn sâu với tinh thần không chấp nhận những điều thuộc về trách nhiệm chủ quan.

Cùng mặt bằng pháp lý, vì sao TP.HCM tăng trưởng thấp hơn tỉnh khác?

Thay mặt Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM báo cáo kết quả kinh tế xã hội quý 1, Chủ tịch Phan Văn Mãi khẳng định những giải pháp, kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ là có trọng tâm, sát với chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy TP.HCM.

Lý giải việc cùng một mặt bằng pháp lý nhưng mức tăng trưởng của TP.HCM thấp hơn các địa phương khác, ông Mãi cho biết thành phố có độ mở cao, tác động gần như đồng thời với những diễn biến của tình hình thế giới. Nếu diễn biến kinh tế thế giới tích cực thì kinh tế TP.HCM sẽ ảnh hưởng trước theo chiều hướng tích cực, và ngược lại.

Bí thư TP.HCM: 'Bác sĩ ra toa rồi, còn lại người bệnh có muốn uống hay không' - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi lý giải nhiều nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế quý 1/2023 chỉ đạt 0,7%

NGUYÊN VŨ

Phân tích sâu hơn về chỉ số tăng trưởng chỉ đạt 0,7%, ông Mãi cho rằng cần nhìn nhận khách quan. TP.HCM là trung tâm dịch vụ, công nghiệp và các mảng này bị ảnh hưởng lớn, 90% dự án bất động sản đang đóng băng. Nhóm ngành ngân hàng bị tác động, lượng cung tiền và lãi suất cao nên tiếp cận khó, tăng trưởng thấp; du lịch hồi phục khởi sắc nhưng nhiều mảng chưa phục hồi như quy mô trước dịch.

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM dẫn chứng các địa phương có thế mạnh về sản xuất công nghiệp đều bị ảnh hưởng, đơn hàng xuất khẩu giảm 30-40%. Ngoài ra, do thu nhập, việc làm, tiền lương của người lao động giảm cùng tác động tâm lý dẫn đến xu hướng thắt chặt tiêu dùng. Do đó, ông Mãi cho biết thành phố sẽ tập trung khai thác thị trường hơn 10 triệu dân và thị trường trong nước.

Rã băng thị trường bất động sản

Nêu giải pháp, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết thành phố sẽ tập trung vào "những cái đang có trong tay", trong đó đầu tư công sẽ đi đầu, và tháo gỡ ngay những dự án ngoài ngân sách.

Cụ thể, UBND TP.HCM tập trung giải quyết những hồ sơ vướng mắc của doanh nghiệp, người dân. "Các dự án chạy thì dòng vốn sẽ chạy, tạo công ăn việc làm, tạo khí thế, niềm tin cho nền kinh tế", ông Mãi nhìn nhận, đồng thời cho biết các sở có nhiều hồ sơ tồn đọng gồm: KH-ĐT, QH-KT, Xây dựng, TN-MT. Hằng tuần, TP.HCM sẽ công bố kết quả giải quyết các hồ sơ trên cityweb (https://hochiminhcity.gov.vn), để người dân và doanh nghiệp theo dõi, góp ý.

Các dự án chạy thì dòng vốn sẽ chạy, tạo công ăn việc làm, tạo khí thế, niềm tin cho nền kinh tế

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi

Cập nhật tiến độ giải ngân đến hết tháng 3.2023, ông Mãi cho biết giải ngân đạt 4%. TP.HCM đặt mục tiêu đến hết quý 2/2023 sẽ đạt 35%, hết quý 3 đạt 58%, hết quý 4 đạt 91% và hết niên độ (tháng 1.2024) đạt 95% trở lên.

Bí thư TP.HCM: 'Bác sĩ ra toa rồi, còn lại người bệnh có muốn uống hay không' - Ảnh 4.

TP.HCM đặt mục tiêu giải ngân đầu tư công trên 95% trong năm 2023

H.MAI

Đánh giá công tác giải phóng mặt bằng là công việc cần ưu tiên, ông Mãi kiến nghị Thành ủy, cấp ủy các địa phương quan tâm đến vấn đề này. Trong năm 2023, có 50 dự án giao thông thuộc 12 quận, huyện và TP.Thủ Đức với tổng diện tích 100 ha, giá trị 2.000 tỉ đồng.

Các dự án vành đai 2, vành đai 3, vành đai 4 và cao tốc TP.HCM – Mộc Bài có diện tích phải giải tỏa lên đến 900 ha, tổng mức đầu tư 40.000 tỉ đồng. "Nếu như giải phóng mặt bằng hoàn thành trong 6 tháng đầu năm thì công việc phía sau rất thuận lợi", ông Mãi nhận định.

Đối với nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và sản xuất, kinh doanh, Chủ tịch TP.HCM cho biết sẽ tập trung phân nhóm 141 vướng mắc của doanh nghiệp nhà nước trong tháng 4.2023 để tháo gỡ.

Riêng nhóm doanh nghiệp ngoài nhà nước, ông Mãi thông tin các vướng mắc chính tập trung ở thủ tục đầu tư, đất đai, hoàn thuế, phòng cháy chữa cháy (cả cơ sở karaoke và nhà xưởng đều vướng). Ngoài ra, TP.HCM cũng tập trung rã băng nhóm ngành bất động sản, tạo công ăn việc làm, kích thích các ngành khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.