Bí thư TP.HCM nói về 2 mặt tác động của ChatGPT với báo chí

07/02/2023 15:35 GMT+7

Dù ChatGPT là bước đột phá về công nghệ nhưng Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng không gì có thể thay thế được quan điểm cá nhân, ý thức chính trị và tính chuyên nghiệp của các nhà báo.

Sáng 7.2, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM họp mặt lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên tiêu biểu các cơ quan báo chí, xuất bản mừng Đảng - mừng xuân Quý Mão 2023.

Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM khẳng định các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt sứ mệnh truyền thông, đồng hành của mình vào sự phát triển của thành phố. Báo chí có nhiều bài viết thông tin phong phú, toàn diện phản ánh bức tranh kinh tế, chính trị, xã hội của thành phố; lôi cuốn ngày càng mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, chung sức, sự cố gắng vượt bậc, linh hoạt sáng tạo của các cấp, các ngành trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Người đứng đầu thành phố đánh giá nhiều sự kiện lớn nổi bật của năm 2022 được báo chí chuyển tải kịp thời, sống động và lan tỏa tích cực, điển hình như chuyến thăm và làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tổng kết Nghị quyết 16 năm 2012 của Bộ Chính trị, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân…

"Báo chí ngày càng thể hiện rõ vai trò độc lập và phản biện, dũng cảm, năng động, sáng tạo, không ngại khó khăn gian khổ phản ánh chân thực những vấn đề gai góc của cuộc sống", Bí thư Nguyễn Văn Nên nhận định.

Bí thư TP.HCM nói về tính 2 mặt của ChatGPT với báo chí - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với các nhà báo trong buổi gặp mặt đầu năm 2023

Nguyên Vũ

Chia sẻ thêm về ứng dụng ChatGPT và những thách thức đối với báo chí, Bí thư TP.HCM đánh giá đây là bước đột phá về trí tuệ nhân tạo, đã và đang tạo nên làn sóng cực mạnh trên internet. Mô hình này chắc chắn sẽ tác động 2 mặt đến báo chí, xuất bản và toàn xã hội.

Về mặt tích cực, ChatGPT buộc báo chí phải suy nghĩ, thúc giục báo chí phải cải tiến và phát triển kỹ thuật sử dụng trí tuệ nhân tạo và tạo công nghệ mới để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho cộng đồng. Mô hình này cũng đặt ra yêu cầu cho báo chí cần giữ gìn độ tin cậy bằng chất lượng, tính minh bạch trong truyền thông, nghiên cứu và sáng tạo nhiều sản phẩm mới phù hợp với thị trường.

Tuy ChatGPT chỉ có thể trả lời theo khuôn mẫu mà không có cảm xúc giống như con người nhưng trong thế giới ngày nay, ai cũng cần có khả năng đáp ứng sự sáng tạo trước thử thách mới, nếu không sẽ bị tụt lùi.

"Điều quan trọng là không có gì có thể thay thế được quan điểm cá nhân, ý thức chính trị và tính chuyên nghiệp của các nhà báo", Bí thư Nguyễn Văn Nên nhìn nhận.

Cần cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí

Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo các cơ quan báo chí, xuất bản cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ thường xuyên của lãnh đạo TP.HCM và cơ quan quản lý trên địa bàn. Các cơ quan báo chí cũng tiếp tục đề nghị lãnh đạo thành phố có chính sách cụ thể để hỗ trợ báo chí trong chuyển đổi số, công bố các đầu mối cung cấp thông tin cho báo chí.

Ông Lê Thế Chữ, Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ đề xuất lãnh đạo TP.HCM tăng cường cơ chế đặt hàng báo chí phản ánh với các vấn đề lớn, trọng tâm của thành phố như thực hiện Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, tổ chức chính quyền đô thị, phát triển trung tâm tài chính quốc tế…

Bí thư TP.HCM nói về tính 2 mặt của ChatGPT với báo chí - Ảnh 2.

Ông Từ Lương - Giám đốc Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP.HCM (VTV9)

Nguyên Vũ

Liên quan đến vấn đề truyền thông chính sách, ông Từ Lương, Giám đốc Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP.HCM (VTV9) cho biết phóng viên các cơ quan báo chí luôn quan tâm đến những chương trình, kế hoạch và hoạt động của thành phố có tác động đến đời sống dân sinh. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu báo chí phát hiện và phản biện những tồn tại, hạn chế mà thành phố hay các sở, ngành, quận, huyện không chủ động, kịp thời cung cấp thông tin chính xác thì việc tạo ra sự đồng thuận trong xã hội rất khó khăn.

Do đó, ông Từ Lương đề nghị các cơ quan hãy xem việc chủ động cung cấp thông tin của mình cho báo chí là một đầu công việc, đúng như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.

Đối với chương trình phối hợp truyền thông với một số cơ quan báo chí thành phố và Trung ương, ông Lương bày tỏ mong muốn việc phối hợp truyền thông sẽ đi vào thực chất, không hình thức, không dàn trải, để không chỉ là hỗ trợ về ngân sách mà quan trọng hơn là sự hỗ trợ tối đa trong cung cấp, chia sẻ thông tin khi báo chí có đề nghị.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Cơ quan TTXVN khu vực phía nam cho rằng thành phố cần xây dựng một đề án truyền thông bài bản, dài hạn để vừa chủ động về nguồn lực tài chính, cũng như có chiến lược truyền thông tổng thể, chuyên nghiệp.


Ông Lê Hồng Sơn, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đánh giá các cơ quan báo chí đã có nhiều bài viết đề xuất, hiến kế những giải pháp phục hồi kinh tế và phát triển thành phố, đất nước mang tính khả thi, với tinh thần trách nhiệm cao.

Về các ấn phẩm Xuân Quý Mão 2023, ban biên tập các báo, tạp chí thực hiện công phu, bài vở đặc sắc, hình ảnh đẹp, trình bày bắt mắt, với những bài viết chuyên sâu phân tích tình hình thời sự, vấn đề "nóng" trong nước và quốc tế được đông đảo người dân quan tâm. Nhiều bài viết về phong tục đón xuân, ăn tết của người Việt; những thành tựu văn hóa - nghệ thuật của TP.HCM và cả nước; những gương điển hình tiêu biểu trên các đời sống lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội; những bài viết vui vẻ, ý nghĩa về con vật cầm tinh của năm…

Dù vậy, ông Sơn cũng nhìn nhận số bài viết về thành tựu trong công tác xây dựng Đảng trên báo chí thành phố còn ít; vẫn còn tình trạng cơ quan báo chí có biểu hiện "chạy" theo mạng xã hội, khai thác quá đà thông tin, đặt tít câu view, sử dụng thông tin và hình ảnh chưa phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam. Một số cơ quan báo chí chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo, định hướng về thông tin của các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, gây tác động tiêu cực trong dư luận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.