Yêu cầu trên được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nêu ra tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM lần thứ 33 diễn ra chiều 8.10 trong bối cảnh tỷ lệ giải ngân đầu tư công của địa phương còn khiêm tốn.
Khái quát tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng qua, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết kinh tế tiếp tục duy trì đà phục hồi, GRDP tiếp tục tăng trưởng, quý sau cao hơn quý trước, quý 3 đạt 7,3%, tính chung 9 tháng đạt 6,85%.
Một số chỉ tiêu đạt khá như sản xuất công nghiệp tăng 6,9%, nhiều ngành dịch vụ khởi sắc, tổng mức bán lẻ hàng hóa doanh thu dịch vụ ước đạt hơn 872.000 tỉ đồng, thu ngân sách tăng 14,3%. Nhiều dự án trọng điểm được triển khai, đẩy nhanh tiến độ, đưa vào sử dụng, làm diện mạo giao thông đô thị đổi mới.
Bên cạnh thuận lợi, ông Nguyễn Văn Nên cho biết kinh tế vẫn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức do tình hình thế giới chuyển biến nhanh. Ông cũng nhấn mạnh giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ cao nhất của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM trong quý 4/2024.
Hiện Thành ủy TP.HCM đã phân công các Ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành triển khai. "Chúng ta chỉ còn lại khoảng 80 ngày, cần thực hiện với nỗ lực, quyết tâm cao nhất, đi kèm với kiểm tra, uốn nắn, xử lý những trường hợp không đạt yêu cầu vì lý do chủ quan", Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, trong đó chú trọng những công trình, dự án trọng điểm.
Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM cũng lưu ý tập trung thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, phát triển, trong đó chú trọng đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa thông qua bình ổn giá.
Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị các cơ quan đẩy nhanh tiến độ triển khai luật Đất đai, luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản, tiếp tục cụ thể hóa các chính sách đặc thù chưa triển khai, chủ động phối hợp bộ ngành trình Thủ tướng kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn các dự án còn vướng, vượt tầm của địa phương.
Còn 63.000 tỉ đồng đầu tư công phải giải ngân
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin về giải pháp thúc đẩy đầu tư công trong các tháng còn lại. Tính đến hết tháng 9.2024, TP.HCM mới giải ngân hơn 16.000 tỉ đồng, khoảng 20% kế hoạch vốn năm 2024. Như vậy, từ nay đến tháng 1.2025, địa phương cần tiếp tục giải ngân 63.000 tỉ đồng vốn đầu tư công.
Sau khi phân loại, 63.000 tỉ đồng này đang nằm tại 5 nhóm dự án. Trong đó, các dự án giải phóng mặt bằng chiếm khoảng 30.000 tỉ đồng. Sau khi rà soát, ông Mãi cho biết có thể giải ngân được khoảng 28.000 tỉ đồng, gồm dự án Rạch Xuyên Tâm khoảng 13.000 tỉ đồng, dự án bờ bắc kênh Đôi hơn 5.000 tỉ đồng và dự án Vành đai 2 đoạn qua TP.Thủ Đức khoảng 7.600 tỉ đồng...
Nhóm 2 là các dự án khởi công mới trong năm 2024 chiếm 8.000 tỉ đồng, gồm dự án mua sắm trang, thiết bị cho 3 bệnh viện cửa ngõ (Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi) hơn 4.300 tỉ đồng và các dự án phê duyệt đấu thầu khác.
Nhóm 3 là một số dự án vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương, trong đó dự án chống ngập do triều chưa giải ngân được 6.800 tỉ đồng và tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) khoảng 3.800 tỉ đồng. Ông Mãi cho biết TP.HCM sẽ cùng các cơ quan tiếp tục xử lý các vướng mắc, thực hiện điều chuyển vốn để đảm bảo tiến độ giải ngân.
Riêng nhóm dự án đang thực hiện, các chủ đầu tư sẽ nỗ lực, tập trung cao độ để giải ngân khoảng 9.600 tỉ đồng. Sở QH-KT cùng các địa phương tiếp tục giải quyết vướng mắc về quy hoạch cho 57 dự án.
Bình luận (0)