Phóng viên Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên VN, Phó đoàn hành trình, về chuyến hải trình đặc biệt này ngay trên chuyến tàu của Hội Sinh viên trước khi kết thúc hải trình.
CHẤT LIỆU QUAN TRỌNG CHO ĐẠI HỘI HỘI SINH VIÊN VN
Chuyến hải trình "Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc" có những ý nghĩa gì, thưa anh?
Hành trình lần này mang nhiều ý nghĩa. Thứ nhất là Hội Sinh viên đang kỷ niệm 10 năm hành trình "Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc", đây cũng là chương trình mà T.Ư Hội và các cấp bộ Hội rất kiên trì để thực hiện. Hằng năm đều có những chuyến hành trình cấp T.Ư cũng như của các tỉnh, các trường đến đảo tiền tiêu để sinh viên tham gia tình nguyện và trải nghiệm thực tế. Lần này rất đặc biệt là chúng ta đến với Trường Sa.
Năm nay cũng là năm Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên VN lần thứ XI, được trải nghiệm thực tế cuộc sống của quân dân trên đảo cũng là chất liệu rất quan trọng để khi đại hội sẽ thảo luận những định hướng về công tác tình nguyện, phát triển hơn nữa hành trình "Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc".
Đối với sinh viên thì đi không chỉ để biết mà còn trải nghiện thực tế tốt hơn trong việc định hướng nghề nghiệp, khởi nghiệp của mình sau khi tốt nghiệp; để vận dụng được kiến thức học ở trường đưa vào thực tế, nhất là ở các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Khi có những chuyến đi như thế này, sinh viên càng yên tâm hơn khi thấy được đời sống của quân dân trên đảo ngày càng được cải thiện. Từ chuyến đi, chúng ta biết được một thông tin rất vui là 100% nhu cầu về rau xanh tại các đảo cơ bản đã được đáp ứng. Có nghĩa là chúng ta đang duy trì một cuộc sống rất tự nhiên, bình thường trên đảo như đất liền. Đây là điều mà sinh viên cần được biết để lan tỏa về chủ quyền của Tổ quốc chúng ta ngày càng được củng cố và vững chắc hơn.
NHỮNG NIỀM TIN ĐƯỢC VUN ĐẮP
Theo anh hải trình lần này còn là môi trường để sinh viên rèn luyện và phấn đấu trở thành "Sinh viên 5 tốt". Vậy qua chuyến đi các sinh viên đã đạt được "5 tốt" như thế nào, thưa anh?
Các tiêu chí của "Sinh viên 5 tốt" cũng đã được lồng ghép vào hoạt động trong suốt chuyến hải trình. Chẳng hạn như tiêu chí "Học tập tốt" được thể hiện trong các công trình sáng tạo của sinh viên trong chuyến đi. Về tiêu chí "Tình nguyện tốt", sinh viên đã có được một số đóng góp, huy động để chia sẻ với nhân dân và cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Về "Thể lực tốt", sinh viên được tham gia giải chạy "Vì Trường Sa thân yêu", giao lưu đá bóng với cán bộ, chiến sĩ trên đảo để thấy được thể lực rất quan trọng trong việc sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, cũng như vượt qua những khắc nghiệt của thời tiết trên đảo. Còn tiêu chí "Hội nhập tốt" thì trong đoàn hành trình những du học sinh đã rất cố gắng để tham gia. Và sau chuyến hải trình này, du học sinh cũng sẽ là những người tuyên truyền cho chủ quyền biển, đảo của chúng ta tại các nước sở tại. Về tiêu chí "Đạo đức tốt", sinh viên đã tham gia hành trình là những sinh viên ưu tú và được tuyển chọn từ các trường.
Những hoạt động trong suốt chuyến hải trình chúng ta cũng đã lồng ghép từng tiêu chí của "Sinh viên 5 tốt" vào chuyến đi một cách rất nhẹ nhàng, khéo léo để sinh viên trải nghiệm.
Chuyến hải trình diễn ra trong điều kiện thời tiết phức tạp, tuy nhiên đã gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp và để lại rất nhiều cảm xúc cho mỗi đại biểu. Cảm xúc của anh như thế nào đối với hải trình lần này, thưa anh?
Tôi nghĩ cảm xúc này không chỉ của riêng tôi mà là cảm xúc chung của tất cả đại biểu trong đoàn hành trình, khi chúng ta được đi qua các điểm đảo, được thấy đất nước chúng ta có những vùng đất xa xôi nhưng rất xinh đẹp, nhiều tiềm năng. Chúng ta thấy được màu nước, màu biển, màu trời, những khóm bàng vuông, phong ba rồi những công trình trên đảo…, chúng ta rất tự hào. Chúng ta cũng được sinh hoạt để tưởng nhớ về những chiến công, sự hy sinh của các lớp cha anh, các cán bộ chiến sĩ hải quân, chúng ta tự hào về lịch sử truyền thống, tự hào về tiềm năng, vẻ đẹp của đất nước mình nơi biển, đảo thiêng liêng.
Chúng tôi cũng rất tin tưởng ở hai khía cạnh. Một là khi gặp cán bộ chiến sĩ, bà con nhân dân, các em thiếu nhi và lực lượng trên đảo đều đang có sự chuẩn bị, có một tâm thế rất vững vàng trước sóng gió, trước những sức ép, thách thức về chủ quyền. Nên chúng ta cảm thấy rất bình yên và tin tưởng. Hai là đối với sinh viên đến từ nhiều vùng miền, ngành học và độ tuổi khác nhau nhưng qua đây đều chung niềm tin sẽ ra sức quyết tâm học tập, đóng góp sức mình vào sự phát triển của đất nước nói chung và sự phát triển bền vững của Trường Sa nói riêng…
Như khi chúng ta đến Nhà giàn DK1, đứng sát bên mà chỉ có thể gặp nhau qua loa, thì chúng ta có thể hình dung được mùa mưa bão sắp tới đây sẽ như thế nào. Vẫn còn đó những khó khăn, thách thức, vẫn còn đó những bài toán mà 200 đại biểu sinh viên lần này và kể cả hơn 2 triệu sinh viên chưa có cơ hội được ra Trường Sa vẫn phải trăn trở, suy nghĩ để có giải pháp. Nhưng chúng ta vui là mục tiêu của chúng ta không còn những mục tiêu cá nhân, mà là mục tiêu chung hướng về Tổ quốc, quê hương.
SINH VIÊN SẼ ĐƯỢC TRANG BỊ NHỮNG MỤC TIÊU LỚN
Đoàn hành trình của chúng ta mang ra đảo tình cảm yêu thương từ đất liền. Vậy khi trở về, sinh viên sẽ mang về những gì cho chính họ, thưa anh?
Tôi nghĩ sinh viên cũng sẽ mang về niềm tin, sự tự hào, lòng biết ơn và nhiều hơn nữa đó là lòng quyết tâm sẽ lớn hơn. Sinh viên cũng sẽ có ý thức tốt hơn về rèn luyện bản thân, vì cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo là những tấm gương vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ mà trong đó có nhiệm vụ rất cao cả là giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Qua đây, các sinh viên sẽ được trang bị những quyết tâm và mục tiêu lớn hơn. Có thể đâu đó trong cuộc sống hằng ngày, áp lực về việc học tập, xin việc làm, áp lực trang trải cuộc sống… chưa có dịp để suy nghĩ về các việc lớn lao hơn.
Hải trình "Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc" sẽ tiếp tục cho những năm tiếp theo, đúng không anh?
Đây cũng là chủ trương lớn mà hai nhiệm kỳ gần đây, Hội Sinh viên đã xác định "Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc" là nội dung phải tiếp tục đầu tư. Nếu được mong muốn, tôi muốn tất cả sinh viên ít nhất một lần được đến với Trường Sa, đến với các địa bàn phên dậu của Tổ quốc, nơi biên giới, hải đảo để được trang bị, trải nghiệm thực tế, và đây cũng là một loại kiến thức mà sinh viên cần có trong quá trình học tập của mình.
Chúng tôi cũng rất mong muốn sinh viên xem đây không chỉ là một chuyến đi cho biết, mà đi về để trăn trở, áp dụng kiến thức của mình nếu phù hợp để phát triển kinh tế biển, đảo, bảo vệ chủ quyền của chúng ta. Rất mong có những công trình nghiên cứu, đề án, dự án của chính sinh viên xuất phát từ những chuyến đi như thế này mà thành công được thì đó là điều mà chúng tôi rất mong muốn.
Đối với sinh viên hiện nay và các thế hệ tiếp theo, tôi nghĩ tình yêu quê hương đất nước của các bạn là không bao giờ thay đổi mà chỉ phát triển thêm nhiều hơn nữa. Do đó chủ quyền biển, đảo luôn là mối quan tâm của sinh viên, mà đã là mối quan tâm thì tổ chức Hội Sinh viên sẽ là người đồng hành với các bạn. Qua chuyến đi lần này, với những kết quả đạt được cũng là căn cứ rất quan trọng để chúng tôi thảo luận tại đại hội về một chiến lược sắp tới của Hội Sinh viên dành cho biển, đảo Tổ quốc.
Bình luận (0)