Các nguyên nhân thường gặp gây tiêu chảy là nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng hay bệnh đường ruột. Ngoài ra, không dung nạp thực phẩm hay tác dụng phụ của một số loại thuốc cũng có thể gây tiêu chảy, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).
Nếu tiêu chảy kèm theo các triệu chứng như đi ngoài ra máu, phân đen, sốt trên 39 độ C hoặc đau bụng, đau trực tràng dữ dội thì cần đến bác sĩ khám ngay |
SHUTTERSTOCK |
Ngoài phân lỏng và đi nhiều lần trong ngày, tiêu chảy còn có các triệu chứng khác như buồn nôn, đau bụng, chuột rút, mất nước, cơ thể mệt mỏi, nhức đầu hoặc khô miệng.
Người bệnh cần đi khám bác sĩ nếu tiêu chảy kéo dài hơn 2 ngày không hết, đi ngoài ra máu hoặc phân đen, sốt trên 39 độ C hoặc đau bụng, đau trực tràng dữ dội. Nếu cơ thể xuất hiện các triệu chứng mất nước như mệt mỏi, nhức đầu, tăng nhịp tim, khô miệng, khát, giảm đi tiểu thì cũng cần đến bác sĩ kiểm tra.
Đối với trẻ dưới 12 tuổi, cha mẹ cần đưa đi khám ngay nếu tiêu chảy kéo dài quá 24 giờ hoặc xuất hiện triệu chứng mất nước. Ngoài ra, trẻ em, người già có hệ miễn dịch yếu hoặc bệnh nhân tiểu đường thì điều đầu tiên phải làm khi bị tiêu chảy là liên hệ ngay với bác sĩ.
Để giảm triệu chứng tiêu chảy, người bệnh hãy ưu tiên ăn cơm, chuối, sữa chua, khoai tây, bơ đậu phộng vì các món này giúp phân cứng hơn. Vì tiêu chảy khiến cơ thể mất nước nên cần bổ sung nước và chất điện giải trong nước ép trái cây, đồ uống thể thao, nước canh, thậm chí là nước ngọt không chứa caffein.
Chất xơ hòa tan cũng là lựa chọn rất tốt để giúp phân cứng lại. Những món giàu chất xơ hòa tan là bánh mì, mì ống, trái cây và rau củ. Người bị tiêu chảy cũng cần tránh các món như bắp cải, thức ăn cay, béo, các món chiên hoặc đồ uống có caffein, theo Medical News Today.
Bình luận (0)