(TNO) Các blogger tố giác tham nhũng ở Trung Quốc cho biết họ phải đối mặt với những lời đe dọa trả thù và nguy cơ ám sát để bịt miệng, giữa lúc chính quyền Trung Quốc tuyên bố mạnh tay với nạn tham nhũng.
Ít nhất sáu người tố giác ở Trung Quốc bị tấn công và nhận được những lời đe dọa trả thù trong thời gian gần đây, Reuters dẫn nguồn từ báo đài Trung Quốc.
Bị tạt a xít, đâm mù mắt
Ngày 8.7, hai người đàn ông chưa rõ danh tính đã đâm vào mặt và người, rồi tạt a xít vào lưng ông Li Jianxin, một blogger tố giác ở thành phố Huệ Châu (tỉnh Quảng Đông), khiến ông bị mù mắt phải, vẫn còn đang nằm viện điều trị vết thương, theo Tân Hoa xã.
Ông Li (45 tuổi), chủ một nhà hàng nhỏ, đã đăng những bài viết trên trang blog cá nhân, phanh phui những sai phạm về đất đai của các quan chức thành phố, những vụ tham nhũng và nạn “con ông cháu cha” chạy chức chạy quyền ở thành phố Huệ Châu.
“Nếu bọn chúng có gan thì nên lấy súng bắn tôi chết”, ông Li viết trên một diễn đàn trên mạng sau khi bị tấn công, đồng thời tuyên bố tiếp tục viết blog, tố giác các quan chức tham nhũng.
Tân Hoa xã cho biết vụ tấn công là nhằm trả đũa những thông tin mà ông Li phơi bày trên mạng nhằm tố cáo tham nhũng.
|
Hiện cảnh sát vẫn đang điều tra và chưa bắt được nghi phạm cũng như kẻ chủ mưu.
Internet là công cụ duy nhất của người tố giác
Ở các nước phương Tây, hầu hết những vụ tố giác diễn ra trong nội bộ các tổ chức, cơ quan công quyền.
Nhưng ở Trung Quốc, người dân chỉ có thể tố giác sai phạm thông qua một kênh duy nhất là internet, cụ thể là các trang mạng xã hội và blog cá nhân.
Theo ước tính của Reuters thì chỉ có khoảng 30 người tố giác tham nhũng hoặc sai phạm ở Trung Quốc dám công khai tên thật trên internet.
Hồi tháng 1.2013, Ủy ban Thanh tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc hoan nghênh người dân tham gia đấu tranh chống tham nhũng với điều kiện họ sử dụng tên thật trên internet.
“Bất kỳ tố cáo tham nhũng nào sử dụng tên thật sẽ được ưu tiên giải quyết sớm”, Reuters dẫn lời người phát ngôn Cui Shaopeng của Ủy ban Thanh tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc.
Ủy ban Thanh tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc còn có cả một trang riêng trên website để người dân vào đó tố giác tham nhũng, nhưng họ phải khai tên họ đầy đủ, kèm địa chỉ, theo Tân Hoa xã.
Nhưng nhiều người tố giác chọn các trang mạng xã hội, blog để tố cáo tham nhũng hơn là website kể trên, và không dám dùng tên thật vì sợ bị trả thù.
“Cây kim giấu trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”
Thời gian gần đây, chính quyền Trung Quốc đã tiến hành điều tra một số bài viết tố cáo tham nhũng trên mạng, nhưng kết quả là chỉ một số quan chức cấp thấp bị bỏ tù.
Ông Zhu Ruifeng, một blogger “đình đám” ở Trung Quốc, đã đăng tải một đoạn video tố giác một quan chức tham nhũng, quan hệ tình dục lén lút với các cô nhân tình trẻ đẹp ở thành phố Trùng Khánh. Hậu quả, vị quan chức này lãnh án 13 năm tù giam.
Zhu cho biết ông may mắn không bị tấn công sau khi tố giác vị quan chức trên nhưng thường xuyên nhận được những lời đe dọa trên blog và email của mình.
Còn bà Bi Meina, một blogger ở thành phố Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh), cho biết kể từ khi tố giác sai phạm và tham nhũng các quan chức thành phố trên internet, bà liên tục nhận được những cuộc gọi, tin nhắn, email nặc danh đe đọa giết chết trả thù.
Lo ngại bị trả thù, bà Bi cho hay bà đang chuẩn bị dọn nhà đến nơi khác sinh sống, nếu vẫn không an toàn thì sẽ ra nước ngoài định cư.
|
Ở thành phố Mậu Danh (tỉnh Quảng Đông), một công chức - blogger có tên Zhu Guoyu đã tố giác các sai phạm chính quyền địa phương, khiến 9 quan chức thành phố rớt chức, vào tù.
Nhưng những ông sếp của ông Zhu không mấy “vui vẻ” với việc làm tố giác của ông.
“Cấp trên ép, sai khiến tôi làm rất nhiều việc để cho tôi luôn bận rộn, không có thời gian tố cáo sai phạm trên mạng”, ông Zhu tiết lộ.
Vào tháng 9.2012, ông Zhu bị một nhóm người rượt đuổi định đánh ông trả thù, nhưng may mắn ông chạy thoát thân. Còn hồi 2011, một nhóm người đã hành hung, dùng dao đâm và chém ông Zhu nhưng ông cũng may mắn thoát chết.
Ông Zhu tin rằng mặc dù các blogger, người tố giác luôn phải đối mặt với những lời đe dọa, nguy cơ bị giết chết hằng ngày, nhưng làn sóng tố giác tội phạm sẽ không vì thế mà ngừng lại, bởi vì “cây kim giấu trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”.
Phúc Duy
>> 104 triệu USD cho người tố giác tội trốn thuế
>> Singapore đương đầu với tham nhũng
>> Chậm xử lý tội phạm tham nhũng, kinh tế vì... thiếu tiền
>> Giải trình về chống tham nhũng: Khó phát hiện vì người tham nhũng... có chức vụ
>> Phải xử kẻ bao che cho tham nhũng
>> Án tử hình “treo” cho cựu bộ trưởng tham nhũng ở Trung Quốc
>> Nguy cơ từ tham nhũng xuyên quốc gia
Bình luận (0)