(TNO) Sau những cuộc truy quét dữ dội của chính quyền, tệ nạn mại dâm tại Trung Quốc đã "biến tướng", chuyển sang hoạt động như thế nào?
Thành phố Đông Quản thuộc tỉnh Quảng Đông được xem là "kinh đô tình dục" của Trung Quốc. Suốt thời gian qua, chính quyền đã sử dụng hàng loạt biện pháp mạnh tay để dập tắt nạn mại dâm tại đây.
Nhiều năm nay Trung Quốc mạnh tay với ngành công nghiệp tình dục - Ảnh: Reuters
|
Chuyển hướng hoạt động
Dù vậy, theo báo Global Times (Trung Quốc) ngày 23.4, nhiều nghiên cứu và khảo sát cho thấy những người bán dâm không hề "biến mất", họ chỉ thay đổi địa điểm và cách thức hoạt động.
Cuộc truy quét ở Đông Quản khiến nhiều gái mại dâm tìm cách sang các thành phố khác hành nghề. "Bạn bè tôi, những người làm việc ở Đông Quản trước kia nói rằng họ hầu như không có khách vào năm ngoái, đời sống rất chật vật. Vì vậy, họ chuyển sang thành phố khác hoặc nước khác để hành nghề", Global Times dẫn lời cô Lin, nhân viên một nhà hàng ở Thâm Quyến, Quảng Đông.
Một bài viết của trang Oriental Morning Post trụ sở ở Thượng Hải hồi tháng 12.2014 cho biết ước tính có 250.000 người làm "nghề" mại dâm tại Đông Quản. Trong đó, khoảng 100.000 người "làm" ở các phòng xông hơi, khách sạn, quán bar...; 150.000 người còn lại "hoạt động" ngoài đường hoặc tại các tiệm làm tóc.
Sau các đợt truy quét, họ chuyển địa bàn hoạt động sang các thành phố khác trong nước. Ngoài ra, một số chọn cách "làm việc" tiếp tục trong các tiệm massage bình thường. Họ không đổi nghề hẳn, mà hoạt động ngầm theo dạng cá nhân thông qua điện thoại hoặc internet.
Đổ ra nước ngoài
Mặc dù không có bằng chứng kết luận xu hướng này, nhưng nhiều trường hợp khảo sát của những tổ chức phi chính phủ chỉ ra mối tương quan giữa những cuộc truy quét mại dâm trong nước với việc gái mại dâm đổ ra nước ngoài, Global Times viết.
Cuộc sống của gái "bán hoa" khó khăn hơn nhiều sau khi bị truy quét - Ảnh: Reuters
|
Nhóm hoạt động xã hội Lotus Bus ở Paris cho rằng có khoảng 200 người Trung Quốc hành nghề mại dâm tại thủ đô nước Pháp vào năm 2002. Con số này đã tăng lên 1.300 vào năm 2014.
Trong cuộc đổ xô ra nước ngoài, gái mại dâm Trung Quốc gặp khá nhiều trở ngại. Một trong những khó khăn ấy là rào cản ngôn ngữ. Thế nên các nước gần Trung Quốc về tiếng nói và văn hóa là sự lựa chọn ưu tiên.
"Hồng Kông, Macau, Malaysia cũng là những điểm đến cho người làm nghề mại dâm nước ngoài. Tôi biết một số còn di chuyển đến Dubai, Tokyo, London, San Francisco, New York và Rome vào năm ngoái", cô Lin nói.
Theo Global Times, từ năm 2001 chính phủ Singapore đã ấn định một vài khu vực làm "phố đèn đỏ" vì sợ ngành này sẽ hoạt động ngầm dẫn tới mất kiểm soát. Chính sách này đã thu hút khá nhiều cô gái Trung Quốc.
Các cuộc truy quét trong nước của chính quyền Trung Quốc vì thế chỉ mới giúp Đông Quản vắng bóng tình trạng kinh doanh tình dục bất hợp pháp. Phần còn lại hầu như phải "gánh" tệ nạn này, còn những đối tượng bị truy quét phải đối mặt với những khó khăn mới.
Gánh chịu nhiều rủi ro
Gái mại dâm Trung Quốc khi tìm đường ra nước ngoài làm việc đã gặp rất nhiều rủi ro, đồng thời trở thành vấn nạn xã hội của nơi họ hoạt động, Global Times dẫn thông tin từ các tổ chức phi chính phủ cho biết.
Một khảo sát của Lotus Bus cho thấy độ tuổi trung bình của gái mại dâm là 42; 90% số này đang phải nuôi con. Do "quá lứa", họ chỉ kiếm được khoảng 20 euro cho một lần tiếp khách.
Trong cuộc khảo sát, Lotus Bus cũng cho biết có 1/3 số lượng gái mại dâm mắc bệnh hoa liễu, 46% không được khám sức khỏe thường xuyên. Trong khi đó, 70% số người được hỏi nói rằng đã từng phục vụ khách hàng không mang bao cao su, trong khi một nửa số được hỏi nói họ không được khám HIV/AIDS.
Ngoài ra, khi di chuyển ra nước ngoài, những cô gái "bán hoa" cũng đối diện sự khinh miệt xã hội cũng như những khó khăn trong việc trang trải chi phí nhà ở, tiền hoàn lại cho những người đã đưa họ ra nước ngoài.
|
Bình luận (0)