Sau hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Thủ tướng Charles Michel tiến hành họp báo chung. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh cuộc hội đàm thành công tốt đẹp và hai bên thống nhất thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Thủ tướng Charles Michel cho biết hai thủ tướng nhất trí cho rằng đây là thời điểm quan trọng để thông qua các thỏa thuận hợp tác. Hai bên đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa VN và Vương quốc Bỉ, đặc biệt là thương mại và đầu tư lẫn nhau. Hai bên cũng thảo luận về khuôn khổ thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do VN - EU (EVFTA) và Bỉ cam kết sẽ hỗ trợ VN trong lĩnh vực này.
tin liên quan
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức ÁoVề hợp tác đa phương, trên cương vị Chủ tịch Nghị viện Châu Âu năm 2019, Bỉ cam kết ủng hộ VN ứng cử vị trí ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ giai đoạn 2020 - 2021. Hai nước sẽ cùng nhau hỗ trợ để thúc đẩy hòa bình và an ninh tại Biển Đông; cùng lên tiếng phản đối các hành động đơn phương, vi phạm hòa bình, luật pháp quốc tế.
Trên tinh thần hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau, Thủ tướng Charles Michel chia sẻ Bỉ mong muốn hợp tác với VN trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp VN thúc đẩy nền nông nghiệp sạch với quy trình về an toàn thực phẩm.
Về phần mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chuyến thăm Vương quốc Bỉ lần này có ý nghĩa đặc biệt vì diễn ra đúng dịp 2 nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai thủ tướng nhất trí tăng cường hợp tác về nông nghiệp, giáo dục - đào tạo, văn hóa, giao thông vận tải; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước đầu tư, kinh doanh tại thị trường của nhau, nhất là trong bối cảnh EVFTA sắp được ký kết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ hai bên nhấn mạnh vấn đề phát triển đại học để trao đổi những kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực ở VN. Cùng với đó là hợp tác trong nông nghiệp, an toàn thực phẩm và dư lượng kháng sinh trong chăn nuôi.
Theo Thủ tướng, đã có nhiều dự án đầu tư của Bỉ tại VN thành công và VN đang không ngừng cải thiện môi trường đầu tư để thúc đẩy các dự án của nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Bỉ, kinh doanh hiệu quả tại VN trong thời gian tới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thông báo đã mời Thủ tướng Charles Michel thăm VN và Thủ tướng Bỉ đã nhận lời.
Cả hai thủ tướng đều cho biết hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc giữ gìn hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Các tranh chấp phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của LHQ về luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Sau cuộc hội đàm, hai thủ tướng đã chứng kiến các cơ quan ban ngành hai nước ký kết một số văn kiện hợp tác song phương trong các lĩnh vực nông nghiệp, an toàn thực phẩm, cảng biển và một số lĩnh vực khác bao gồm: Thỏa thuận đối tác chiến lược giữa Chính phủ nước CHXHCN VN và Chính phủ Vương quốc Bỉ về lĩnh vực nông nghiệp; Bản ghi nhớ hợp tác nâng cao năng lực vệ sinh an toàn thực phẩm giữa Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Cơ quan Liên bang về an toàn thực phẩm Bỉ (FASFC); Bản ghi nhớ về thiết lập cơ chế tham vấn chính trị song phương giữa Bộ Ngoại giao nước CHXHCN VN và Bộ Ngoại giao, Ngoại thương và Hợp tác phát triển Vương quốc Bỉ.
Hai thủ tướng cũng đã chứng kiến các doanh nghiệp hai nước ký kết hai văn kiện hợp tác bao gồm: Bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu cảng hàng rời thông minh tại Hải Phòng giữa Công ty Hateco và Tập đoàn Rent-A-Port của Bỉ và Bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu đầu tư, phát triển cảng biển giữa Tổng công ty hàng hải VN (Vinalines) và Rent-A-Port.
Trước khi đến Bỉ, Thủ tướng và đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ VN đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức nước Áo. Trong chiều 15.10 (giờ địa phương) và sáng 16.10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Chủ tịch Quốc hội Áo Wolfgang Sobotka, chào xã giao Tổng thống Alexander Van der Bellen; thăm bang Hạ Áo, bang lớn nhất về diện tích trong 9 bang của Áo, trao đổi với Thống đốc Johanna
Mikl-Leitner, thăm Đại học Krems và Trung tâm nghiên cứu Biomin cũng như dự Diễn đàn doanh nghiệp VN - Áo với sự góp mặt của khoảng 200 doanh nghiệp hai nước trong các lĩnh vực nông nghiệp, tài chính, năng lượng tái tạo, công nghệ, phát triển hạ tầng, y tế...
|
Bình luận (0)