Bia tết khan hàng ảo

14/01/2017 10:00 GMT+7

Còn hơn 2 tuần nữa là đến tết nhưng giá bia đã bắt đầu có những bước nhảy vọt từ vài tuần trước, có nhãn hàng tăng giá đến 10% so với tháng trước. Đặc biệt, cũng như mọi năm mặt hàng bia lại rơi vào tình trạng "bỗng dưng" khan hàng.

Tuy nhiên, theo giới kinh doanh, đó chỉ là “động tác giả” để các đại lý ghim hàng, nâng giá.
“Giá tăng từng ngày”
Mua có định mức cũng là một trong những hành vi tạo nhu cầu ảo, không thể chấp nhận được. Treo bảng vậy dễ khiến tạo tâm lý hàng thiếu, sẽ tăng giá trong nay mai... vậy là đổ xô đi mua. Các cơ quan quản lý thị trường phải vào cuộc tìm hiểu và ngăn chặn hành vi này bằng cách kiểm tra kho hàng của đơn vị phân phối, làm việc với nhà sản xuất, phân phối cho rõ ràng.
TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế
Ngày 13.1, tại một số đại lý bia rượu trên đường Nguyễn Thông (Q.3, TP.HCM) nhộn nhịp người mua kẻ bán, rất nhiều xe tải nhỏ đang chờ chở hàng trăm túi quà giao cho khách. Có khách hỏi mua 50 thùng bia Heineken, người bán báo giá 390.000 đồng/thùng (24 lon) và cho biết mua 100 cũng bán giá đó, không bớt một xu. Tương tự, bia Tiger giá 320.000 đồng/thùng, bia Sài Gòn xanh 295.000 đồng/thùng, bia 333 230.000 đồng/thùng, Budweiser (của Mỹ) 400.000 đồng/thùng… Trong khi cách đây gần 1 tháng, Heineken có giá 362.000 đồng/thùng 24 lon, Tiger 290.000 đồng/thùng, bia 333 212.000 đồng/thùng… Bà Hoài Anh, chủ đại lý rượu bia trên đường Nguyễn Thông, nói: “Giá bia biến động từng giờ, từng ngày nên nếu có nhu cầu mua thì đặt cọc trước giữ giá rồi nhân viên bên cửa hàng chở bia đến. Hỏi giá lúc nào mua lúc đó, chứ mai ra là khác à nghen!”. Theo bà Anh, so với cách đây nửa tháng, giá bia tăng từ 5.000 - 20.000 đồng/thùng tùy thương hiệu.
Còn theo ông Hữu, chủ đại lý bia rượu - nước giải khát ở Q.1 (TP.HCM), hiện chỉ có hai loại bia là Heineken và Tiger (lon) tăng giá, các nhãn Saigon, Sapporo, Budweiser... đều có giá như cũ. Trong đó, Tiger tăng từ 290.000 đồng/thùng lên 310.000 đồng/thùng từ trước lễ Giáng sinh, nay tăng lên 320.000 đồng chuẩn bị hàng tết. Còn bia Heineken chỉ mới tăng trong vài ngày gần đây, từ 370.000 đồng/thùng lên 390.000 đồng. Cả bà Anh và ông Hữu đều cho rằng bia Heineken lon “đổ” về đại lý số lượng hạn chế do nhu cầu cao quá, sản xuất không kịp. “Thấy khách mua nhiều nên họ tăng giá đó thôi", bà Anh nói. “Chúng tôi lấy hàng phụ thuộc vào nhà phân phối lớn, mỗi thùng chỉ lãi đúng 5.000 đồng, cũng chỉ nghe nói nhà máy sản xuất không kịp nên hàng bị đẩy giá lên vậy”, ông Hữu bổ sung.
Mua bia cũng có "định mức"
Thậm chí tại siêu thị, bia lon Tiger và Heineken luôn treo bảng giới hạn số lượng thùng cho khách mua. Chiều 13.1, tại siêu thị Big C (Q.10, TP.HCM) treo bảng giới hạn “2 thùng hoặc 48 lon/người/ngày”.
Theo nhân viên tiếp thị, trước đây giới hạn mỗi khách chỉ mua đúng 1 thùng thôi, sau nâng lên 2 thùng. Hỏi, nhân viên này giải thích: “Giới hạn này là nhằm hạn chế người mua sỉ số lượng lớn về giữ hàng bán giá cao hơn, chứ không phải ngăn người mua lẻ. Như có hôm khách hỏi mua 30 thùng Heineken, chúng tôi buộc phải từ chối”. "Vậy nếu người khách đó đi mua 15 lần trong một ngày để đủ 30 thùng đó thì sao? “Thì chịu thôi, nhưng quy định siêu thị đưa ra là chỉ 2 thùng cho mỗi khách/ngày”, nhân viên này giải thích. Thực tế, một trong những nguyên nhân có tình trạng gắn bảng giới hạn số lượng cho mỗi khách mua bia là giá. Chiều 13.1, bia Heineken bán tại siêu thị này có giá 374.000 đồng/thùng, Tiger 314.000 đồng/thùng 24 lon, rẻ hơn giá bán tại các đại lý từ 6.000 - 16.000 đồng/thùng.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khẳng định, đây là hành vi kinh doanh không phù hợp trong nền kinh tế thị trường. Giới kinh doanh tận dụng lễ tết để tăng doanh thu, lợi nhuận là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, có hành vi “kích cầu” ảo, tạo khan hiếm ảo là cần lên án và tẩy chay. “Thậm chí, với hành vi treo bảng giới hạn số lượng bán ra tôi cũng không đồng ý. Tại sao nhà sản xuất báo không thiếu hàng, nhà phân phối lại giới hạn? Cái này phải nói rõ ràng ra, chứ thị trường đang chạy theo kiểu mập mờ, không rõ ràng. Trong nền kinh tế thị trường, nhu cầu mua bao nhiêu là quyền của người mua, làm sao buộc tôi chỉ có thể mua 2 thùng bia thôi, sao giống thời bao cấp mua phải có giấy giới thiệu và giới hạn số lượng bán vậy?”.
TS Ngô Trí Long nhận xét: “Mua có định mức cũng là một trong những hành vi tạo nhu cầu ảo, không thể chấp nhận được. Treo bảng vậy dễ khiến tạo tâm lý hàng thiếu, sẽ tăng giá trong nay mai… vậy là đổ xô đi mua. Các cơ quan quản lý thị trường phải vào cuộc tìm hiểu và ngăn chặn hành vi này bằng cách kiểm tra kho hàng của đơn vị phân phối, làm việc với nhà sản xuất, phân phối cho rõ ràng".
Đánh vào tâm lý là chính
Thực tế, trong quá trình khảo giá cho thấy, nhiều nơi vẫn bán Heineken giá 370.000 đồng/thùng, song có nơi lên đến 400.000 đồng/thùng. Chị Thảo, chủ đại lý bia lớn tại Đà Nẵng, cho rằng những người mua bia tại thời điểm này chủ yếu mang đi biếu tặng, chứ người dân cũng chưa mua sắm để dùng trong dịp tết nhiều vì lương thưởng chưa có. “Các cửa hàng bán cứ đẩy giá vậy thôi chứ hàng không thiếu. Sự hấp dẫn của thị trường, nhu cầu có thật trong thời điểm này đã khiến nhiều người ham lợi, cố ý tạo hiện tượng khan hàng giả để nâng giá thôi”, chị Thảo nhấn mạnh.
Còn theo ông Trần Quốc Tuấn, Giám sát cấp cao chiến lược doanh nghiệp, khối chiến lược doanh nghiệp của Công ty TNHH Sapporo VN, người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bia rượu, thường các nhà sản xuất đều có kế hoạch rất kỹ cho việc sản xuất phục vụ thị trường ngay thời điểm thị trường có nhu cầu cao nhất. “Nếu có hụt hàng, khan hiếm, chỉ xảy ra một vài nhãn hàng đang hút khách tại thời điểm ngắn chứ không kéo dài. Theo tôi, chính người bán “đánh” vào tâm lý của người mua, tạo sự khan hiếm ảo, chứ ngay các hệ thống phân phối lớn không bao giờ làm vậy”, ông Tuấn nhận xét và cho rằng, việc kinh doanh của đại lý, nhà phân phối là độc lập. Chính họ tự quyết giá bán dựa trên nhu cầu của thị trường nên nhà máy không thể can thiệp được.
Theo Sở Công thương TP.HCM dự báo, trong dịp Tết Nguyên đán này, nhu cầu tiêu thụ bia rượu và nước giải khát tại thành phố tăng khoảng 30%. Người Sài Gòn có thể tiêu thụ khoảng 40 triệu lít bia trong dịp tết và các nhà sản xuất cũng đã “hứa” không tăng giá giai đoạn này. Thế nhưng, với những gì đang xảy ra trên thị trường, rất khó để nói việc quản lý giá bia vào dịp tết thành công.
Người Việt uống hết 4 tỉ lít bia
Bất chấp giá bia tăng cao 5 hay 15%, số lượng bia được tiêu thụ vẫn đang tăng mạnh. Trong Báo cáo tình hình phát triển công nghiệp, thương mại của Bộ Công thương, năm 2016, người Việt tiêu thụ đến 3,788 tỉ lít bia. Như vậy, tính trung bình trong năm qua, mỗi người Việt uống 42 lít bia, tăng khoảng 4 lít so với năm ngoái. Dự báo năm nay, sản lượng sản xuất của ngành bia trong nước sẽ đạt khoảng 3,988 tỉ lít, tăng 10% so với 2016. Với mức tiêu thụ hàng tỉ lít bia mỗi năm, VN đang được dự báo sẽ là thị trường tiêu thụ bia số 1 châu Á, vượt cả Hàn Quốc và Nhật Bản (hai quốc gia đang dẫn đầu châu Á về tiêu thụ bia rượu - PV) trong tương lai.
Lý do khiến một nước đang phát triển như VN trở thành thị trường lớn của bia, theo một số chuyên gia thương mại, dân số trẻ và thu nhập tăng là hai yếu tố quyết định mức tăng trưởng ngoạn mục của thị trường này tại VN. “Dân số VN đang có tuổi trung bình là 30, tương đối trẻ so với nhiều thị trường trong khu vực, cộng thêm nền kinh tế đang đi vào “guồng tăng trưởng ổn định” là hai yếu tố giúp thị trường này tiếp tục tăng mạnh trong tương lai”, ông Hòa Đỗ - chuyên gia tư vấn thị trường nhận xét.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.